Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và Hội nhập

Bên kia vách đá Sảng Tủng

Vũ Mừng - 09:15, 01/09/2024

Khách du lịch nếu đã lựa chọn Hà Giang là điểm đến, hẳn sẽ nghe tới “hoang mạc” đá Sảng Tủng. Nhưng khi tới đây, nhiều người ngạc nhiên bởi nơi này không chỉ có đá mà còn có sắc xanh của vựa rau bắp cải lớn nhất của huyện Đồng Văn.

Trưởng Ban Dân vận huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Dương Ngọc Đức (áo xanh) cùng cán bộ, người dân treo cờ Tổ quốc đón Quốc khánh 2/9
Trưởng Ban Dân vận huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Dương Ngọc Đức (áo xanh) cùng cán bộ, người dân treo cờ Tổ quốc đón Quốc khánh 2/9

Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Trông núi in như một miếng bìa”. Thoạt nghe thấy câu thơ rất lạ, nhưng nó lại rất đúng khi đến Sảng Tủng. Đứng giữa Sảng Tủng, đưa mắt nhìn bốn phương, tám hướng đâu đâu cũng thấy những dãy núi sừng sững, hệt như một miếng bìa mà ai đã nghịch ngợm dùng kéo cắt thành hình răng cưa nhấp nhô in lên chân trời, lúc hằn rõ, lúc phủ đầy sương trắng. Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ được tô điểm bởi một thung lũng tràn ngập sắc xanh của rau bắp cải, đẹp như tranh vẽ.

Ông Giàng Nỏ Pó, Trưởng thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng chậm rãi kể: Cuộc sống hàng trăm năm nay trên vùng Cao nguyên đá này là cuộc đấu tranh sinh tồn với mưa gió tự nhiên. Khó, khổ vậy cũng chỉ để giữ cho bằng được bụm đất bé bằng bàn tay còn sót lại trong các hốc đá lô nhô, lởm chởm, chằng chịt, để cây ngô có thể lớn lên mà cho bắp.

Khắc nghiệt là vậy mà cứ lớn ngang lưng người, cây ngô lại thành thức ăn cho sâu keo. Năm nào sâu nhiều ngô chết thì phải trồng lại. Bao nhiêu mồ hôi công sức dồn cả vào nhát cuốc. Ấy thế mà, 1ha ngô sau khi trừ giống, vốn, thuốc sâu, thu về chỉ vỏn vẹn trên dưới chục triệu đồng. Mỗi năm một vụ, con người cũng phải quay quắt với cây ngô!

“Nhưng đó là chuyện xưa thôi”, ông nói chắc nịch.

Trưởng thôn Séo Lủng B Giàng Nỏ Pó giới thiệu với đoàn công tác về sản phẩm rau bắp cải của địa phương
Trưởng thôn Séo Lủng B Giàng Nỏ Pó giới thiệu với đoàn công tác về sản phẩm rau bắp cải của địa phương

Gần 5 năm sau ngày Đảng bộ tỉnh Hà Giang thông qua Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 01/12/2020 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Séo Lủng B đã bứt ra khỏi vòng luẩn quẩn và tìm được cho mình cây trồng mang lại lợi ích kinh tế. Đấy chính là cây rau bắp cải.

“Diện tích đất canh tác của toàn xã là 414,44ha, trong đó đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng rau chuyên canh gắn với cải tạo vườn tạp tại 5 thôn với tổng diện tích là 44ha, riêng thôn Séo Lủng B là 30ha. Sản lượng 40 tấn/ha x 3 vụ = 120 tấn/năm x 3.000 đồng/kg = 360 triệu đồng. Trừ chi phí 81 triệu đồng còn 279 triệu đồng/năm”. Bí thư Đảng ủy xã Sảng Tủng Vũ Ngọc Hải thông tin với tôi những số liệu trên một cách đầy tự hào.

Tôi hiểu niềm vui sướng của anh, bởi để có thể thay đổi được tập quán canh tác của người dân trên vùng đất khó là câu chuyện không hề dễ dàng.!

Đơn cử như những gì Bí thư xã Sảng Tủng chia sẻ, nhiều năm nay, nguồn nước sinh hoạt cho người dân đã có thể được đáp ứng từ hệ thống hồ treo được xây dựng rải rác trên địa bàn xã, nhưng nước để phục vụ sản xuất thì vẫn là căn bệnh “kinh niên” chưa tìm được phương thuốc giải.

Rồi đến khi bắt tay trồng thử một diện tích nhỏ cây bắp cải, cả cán bộ và người dân háo hức nhận ra, chúng như cũng biết chiều lòng người lao động, chỉ bòn góp nguồn nước từ sương, để cung cấp dưỡng chất cho những cọng lá dần lớn lên, rồi cuộn tròn lại mà cho ra thứ đặc sản có khi nặng tới 3kg. Nói cách khác, chúng chẳng đòi hỏi phải tưới tắm bao giờ.

Trưởng thôn Giàng Nỏ Pó lên tiếng: “Cây bắp cải ở đây giòn, ngọt, chắc. Có thể dùng ngay tại vườn mà không phải đắn đo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tiếng lành đồn xa, thương lái các tỉnh lân cận tìm về mua. Chưa xuất hiện tình trạng phải đổ bỏ bao giờ. Có lúc, giá rau đã lên tới 13.000 đồng/kg. Lợi ích 1ha trồng rau mang lại gấp 10 lần 1ha trồng ngô”.

Đến đây, Trưởng thôn Giàng Nỏ Pó khẳng định: “Nếu cả thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô sang cây bắp cải từ sớm thì hay biết mấy. Nhưng bắt đầu từ bây giờ cũng là chưa muộn, bởi làm kinh tế là con đường bền bỉ, lâu dài”.

Chỉ 2 năm sau khi 30 hộ dân trong thôn tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn, thôn Séo Lủng B xảy ra một việc chưa từng có tiền lệ. Cuối năm 2023, 10 hộ gia đình như Ly Nhìa Tủa, Vừ Xìa Say, Ly Nhìa Thào... chủ động nộp đơn xin thoát nghèo.

Trưởng thôn Giàng Nỏ Pó vẫn còn nhớ như in những điều các hộ dân đó chia sẻ: “Bây giờ đã có hướng làm kinh tế, cây rau đã cho thu nhập ổn định rồi thì mình xin thoát nghèo thôi. Để nhường lại sự hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình khó khăn thực sự”.

Trên chuyến xe cùng đoàn công tác trở về huyện lỵ, tôi ngồi cạnh Trưởng Ban Dân vận huyện Đồng Văn Dương Ngọc Đức rồi thủ thỉ: “Ở Sảng Tủng không chỉ có vách đá dựng đứng lưng chừng trời anh nhỉ!”. Anh nhoẻn miệng cười, rồi đánh tay lái nhường đường cho những chiếc xe của thương lái đang nối đuôi nhau về Séo Lủng B để thu mua bắp cải!

Tin cùng chuyên mục
Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Từ bao đời nay, đồng bào DTTS ở Gia Lai vẫn gìn giữ được không gian giọt nước mát ngọt cho buôn làng. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi dân làng cùng gặp gỡ, trò chuyện và thực hiện các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng.