Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sống khỏe

Bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp đang lây lan ở Châu Âu và Mỹ

PV - 14:29, 23/05/2022

Với việc phát hiện hàng loạt ca mắc bệnh đậu mùa khỉ - một bệnh nhiễm virus hiếm gặp liên quan đến bệnh đậu mùa - đã đánh dấu một đợt bùng phát bất thường ở Mỹ và Châu Âu của căn bệnh thường chỉ giới hạn ở Châu Phi.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người hoặc từ người sang người - Ảnh: WHO
Virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người hoặc từ người sang người - Ảnh: WHO

Mới đây, Mỹ xác nhận trường hợp đầu tiên mắc đậu mùa khỉ, một căn bệnh hiếm gặp vừa xuất hiện trước đó ở một số nước châu Âu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Sở Y tế Công cộng Massachusetts cho biết, bệnh nhân vừa trở về từ Canada và đã nhập viện để điều trị.

Giới chức Mỹ đang tích cực phối hợp nhằm truy vết khẩn cấp những người tiếp xúc với bệnh nhân, đồng thời khẳng định “ca nhiễm mới sẽ không gây rủi ro cho cộng đồng và tình trạng bệnh nhân đã chuyển biến tốt”.

Hiện, CDC cũng đang theo dõi tình hình các ổ dịch được phát hiện trong 2 tuần qua ở một số nước châu Âu, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh.

Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ đã bất ngờ xuất hiện ở châu Âu sau khi Anh xác nhận ca mắc bệnh đầu tiên trong năm nay vào hôm 7/5. Tính đến thời điểm hiện tại, Anh đã ghi nhận ít nhất 7 ca nhiễm.

Cũng trong ngày 18/5, Bồ Đào Nha là quốc gia tiếp theo báo cáo 5 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp. Theo đó, 5 ca bệnh của nước này nằm trong số 20 ca nghi nhiễm và hiện tất cả đều trong tình trạng ổn định. Cùng ngày, các đơn vị y tế Tây Ban Nha cho biết họ đang tiến hành xét nghiệm 8 ca nghi nhiễm vừa mới được phát hiện.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phối hợp với giới chức y tế Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) để đánh giá về bệnh đậu mùa khỉ. Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove lưu ý rằng cần "theo dõi việc tiếp xúc để bảo đảm rằng không có thêm sự lây truyền từ người sang người, cũng như truy ngược tiếp xúc để hiểu rõ hơn về nguồn lây nhiễm của các ca bệnh".

Bệnh đậu mùa khỉ ở người chủ yếu gây ra các đợt bùng phát ở khu vực châu Phi và thường hiếm xuất hiện ở châu Âu. Căn bệnh này tương tự như bệnh đậu mùa ở người, và dễ dàng bị lầm tưởng là thủy đậu. Ca mắc bệnh đầu tiên đã được ghi nhận vào những năm 70 của thế kỷ trước tại CHDC Congo. Đến nay, bệnh này đã xuất hiện ở các nước Trung và Tây Phi, với phần lớn các ca mắc được ghi nhận ở Congo và Nigeria. Năm 2003, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở Mỹ. Đến năm 2018, Anh cũng ghi nhận trường hợp ca nhiễm đầu tiên.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở Châu Âu, Mỹ trong thời gian gần đây - Ảnh: Euronews.com
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở Châu Âu, Mỹ trong thời gian gần đây - Ảnh: Euronews.com

Các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trong vòng từ 5 - 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Biểu hiện rõ ràng nhất là phát ban, thường xuất hiện trên mặt trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể, sau đó hình thành các tổn thương da.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ là họ hàng của bệnh đậu mùa - bệnh đã được loại trừ vào năm 1980 - nhưng ít lây truyền hơn, gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và ít gây chết người hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2 - 4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường là kết hợp sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Triệu chứng sưng hạch bạch huyết thường giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc bệnh đậu mùa, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đặc điểm chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu khi sốt. Các nốt phát ban có xu hướng phát triển từ 1-3 ngày sau đó, thường bắt đầu trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Số lượng những nốt này có thể từ vài đến hàng nghìn. Các nốt đậu mùa khỉ sẽ tải trải qua quá trình từ ở trong da, nổi lên, chứa đầy dịch sau đó là mụn mủ và cuối cùng đóng vảy trước khi vỡ.

Các khu vực thường phát hiện đậu mùa khỉ

Virus đậu mùa khỉ thuộc dòng Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên năm 1958 trong 2 đợt bùng phát của căn bệnh giống như thủy đậu xảy ra ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm được giữ để nghiên cứu, do đó căn bệnh này được đặt tên như vậy.

Tuy nhiên, khỉ có thể không phải là loài gây ra các đợt bùng phát đậu mùa khỉ và vẫn chưa xác định được ổ chứa tự nhiên của bệnh đậu mùa khỉ dù WHO cho biết nhiều khả năng là loài gặm nhấm.

“Ở Châu Phi, bằng chứng về sự lây nhiễm virus đậu mùa khỉ đã được tìm thấy ở nhiều loài động vật bao gồm sóc dây, sóc cây, chuột túi Gambia, chuột ngủ đông, các loài khỉ khác" - cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết.

Bệnh đậu mùa khỉ ở người chủ yếu gây ra các đợt bùng phát ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Phi và không thường thấy ở Châu Âu. Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người vào năm 1970.

Kể từ đó, các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 11 quốc gia Châu Phi: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được báo cáo bên ngoài Châu Phi có liên quan đến việc nhập khẩu động vật có vú bị nhiễm bệnh vào Mỹ năm 2003.

Gần đây hơn, năm 2018 và 2019, 2 du khách từ Israel và Singapore đến Anh đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cả hai đều từng đi tới Niegria, nơi có một đợt bùng phát lớn căn bệnh này, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC).

Con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ?

Một người có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ từ vết cắn hoặc vết xước của động vật bị nhiễm bệnh khi ăn thịt thú rừng, tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh hoặc chạm vào giường hoặc quần áo bị ô nhiễm.

Virus xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc mắt, mũi, miệng.

Việc lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu xảy ra qua các giọt bắn đường hô hấp lớn, thường không thể di chuyển quá vài mét, vì vậy cần phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài mới có nguy cơ lây bệnh.

Một số chuyên gia Anh bình luận về đợt bùng phát gần đây ở Anh cho biết, còn quá sớm để kết luận rằng bệnh đậu khỉ đã lây lan qua quan hệ tình dục, nhưng đó là một khả năng.

Điều trị và phòng ngừa

Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào được khuyến nghị cho bệnh đậu mùa khỉ và bệnh này thường tự khỏi.

Vaccine phòng bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, nhưng vì bệnh đậu mùa đã được tuyên bố là đã bị diệt trừ hơn 40 năm trước, nên các loại vaccine đậu mùa thế hệ đầu tiên không còn được cung cấp cho công chúng.

Một loại vaccine mới hơn do Bavarian Nordic phát triển để phòng ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ đã được phê duyệt ở Liên minh Châu Âu, Mỹ và Canada theo tên thương mại Imvanex, Jynneos và Imvamune và thuốc kháng virus cũng đang được phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Từ 01/7/2025, đóng BHXH thiếu 6 tháng vẫn có thể được hưởng lương hưu

Từ 01/7/2025, đóng BHXH thiếu 6 tháng vẫn có thể được hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 quy định về tỷ lệ đóng BHXH. Theo đó, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, bao gồm: 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.