Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sống khỏe

Bệnh lao xương - Những điều bạn cần biết

Như Ý - 14:25, 18/09/2024

Lao xương là một trong số những loại bệnh lao phổ biến, thường gặp. Bệnh xuất hiện là do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis làm nhiễm khuẩn hệ thống xương khớp. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, gây nên nhiều hệ luỵ nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Để tăng cường nhận thức về bệnh lao xương và đồng hành trong việc phòng ngừa căn bệnh này mời các bạn tham khảo những thông tin sau đây.

Bệnh lao xương khớp thường không biểu hiện hoặc có rất ít triệu chứng rõ ràng gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh
Bệnh lao xương khớp thường không biểu hiện hoặc có rất ít triệu chứng rõ ràng gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh

Nguyên nhân của bệnh lao xương

Bệnh lao xương khởi phát do sự tấn công của trực khuẩn lao. Vì thế, bệnh lý này có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua nhiều con đường khác nhau như đường hô hấp, qua niêm mạc hoặc vết thương hở.

Vi khuẩn lao thường xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua đường hô hấp rồi khu trú và gây tổn thương phổi. Sau đó, chúng sẽ di chuyển ra phổi đi vào các khớp xương, cột sống thông qua các mạch máu và hạch bạch huyết. Nếu bệnh lao khởi phát ở phụ nữ mang thai có thể lây từ mẹ sang con.

Triệu chứng bệnh lao xương

Ở giai đoạn đầu, bệnh lao xương khớp thường không biểu hiện hoặc có rất ít triệu chứng rõ ràng gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh. Chỉ khi đến giai đoạn tiến triển, có các dấu hiệu lâm sàng thì lao xương mới được phát hiện.

(Tổng hợp) Bệnh lao xương - Những điều bạn cần biết 1

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh: Người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt dai dẳng, có thể từ sốt nhẹ đến sốt vừa, sốt về buổi chiều tối; Người mệt mỏi, xanh xao, biếng ăn, sụt cân, hay bị đổ mồ hôi trộm;

Những vị trí xương bị vi khuẩn xâm nhập sẽ có dấu hiệu sưng to, cứng tuy nhiên không đỏ, không nóng, không viêm; Các ổ áp xe hình thành do lao xương thường có mủ bên trong, bị hoại tử bã đậu, viêm tủy xương, thân xương chứa các mảnh xương chết. Khi khám lâm sàng sẽ phát hiện ra nốt bùng nhùng bên cạnh khớp. Nếu ổ áp xe vỡ ra sẽ để lại lỗ dò;

Đau xương, cơ thể vận động khó khăn. Tuỳ thuộc vào vị trí bị lao xương mà bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vị trí đó, ví dụ: nếu bị lao xương háng thì đau háng, không thể co duỗi chân bình thường, lao xương cột sống thì không thể ngửa người ra hoặc cúi người xuống,...

Các biểu hiện khác: gù - vẹo - gấp khúc cột sống, teo các cơ vận động, đi lệch người hoặc tập tễnh, liệt, tàn phế, ổ áp xe chèn ép tủy sống gây rối loạn cơ tròn.

(Tổng hợp) Bệnh lao xương - Những điều bạn cần biết 2

Các biến chứng thường gặp ở bệnh lao xương

Lao xương là một bệnh lý nguy hiểm, gây nên nhiều hệ luỵ nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Các biến chứng nghiêm trọng có thể gặp ở người bị lao xương thể nặng đó là:

Xương bị biến dạng: Xẹp đốt sống, gù nhọn, gây chèn ép rễ thần kinh và tủy sống;

Biến chứng thần kinh: Người bệnh bị liệt 2 chi dưới hoặc cả tứ chi; Tàn phế do phải cắt cụt chi: Khi lao xương ở mức độ nặng, không được chữa trị sớm sẽ gây nên những thương tổn không thể phục hồi, lúc này bệnh nhân buộc phải bị cắt cụt các chi; Bệnh nhân bị lao xương khớp bị hạn chế vận động, cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn;

Bệnh nhân bị teo cơ vận động khớp; Áp xe lạnh gây chèn ép tuỷ sống còn dẫn đến liệt cơ tròn;

Lao lan rộng: Nếu không được ngăn chặn kịp thời, vi khuẩn lao không chỉ gây nhiễm trùng ở hệ xương khớp mà còn lan sang tấn công các cơ quan khác như mắt, tai, da, màng não, hệ sinh dục, hệ bài tiết,... đe doạ đến tính mạng của người bệnh.

(Tổng hợp) Bệnh lao xương - Những điều bạn cần biết 3

Phương pháp phòng ngừa lao xương hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Cập nhật kiến thức y khoa cần thiết về bệnh lao nói chung và bệnh lao xương khớp nói riêng;

Cho trẻ nhỏ đi tiêm phòng vắc xin BCG;

Chủ động cách ly, phòng tránh bệnh lao từ những người bị bệnh lao;

Nếu tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần phải thực hiện các biện pháp tầm soát lao định kỳ bằng các phương pháp xét nghiệm;

Đối với những người bị mắc lao xương cần chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn lao phát tán ra bên ngoài, không tụ tập nơi đông người tránh lây cho cộng đồng và tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị của bác sĩ;

Có lối sống cũng như chế độ ăn uống lành mạnh: không hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích và lạm dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, cà phê. Tập tành thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, ăn đủ bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn có hại. Hạn chế đến những nơi đông người để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn lao.

(Tổng hợp) Bệnh lao xương - Những điều bạn cần biết 4

Các phương pháp chữa lao xương

Sử dụng thuốc: Lao xương được điều trị bằng kháng sinh và điều trị với phác đồ kháng lao theo quy định của Bộ Y tế.

Một số loại vi khuẩn gây lao có khả năng kháng một số loại kháng sinh. Xét nghiệm độ nhạy kháng thuốc được thực hiện để xác định liệu trình điều trị phù hợp.

Một số loại thuốc chống lao như: Rifampicin, streptomycin, kanamycin, isoniazid, protionamide, cycloserine và pyrazinamide... là những loại thuốc chống lao phổ biến nhất.

Việc điều trị lao xương có thể mất từ 6 đến 12 tháng để khỏi bệnh.

Phẫu thuật: Ngoài thuốc, trong một số trường hợp cần thực hiện các phương pháp phẫu thuật để điều trị lao xương trong trường hợp không đáp ứng với các thuốc điều trị và xuất hiện biến chứng đe dọa tính mạng:

Phẫu thuật loại bỏ (Debridement): Gắp bỏ xương chết, xương hỏng hoặc xương bị nhiễm trùng.

(Tổng hợp) Bệnh lao xương - Những điều bạn cần biết 5

Cấy xương (Bone grafting): Sử dụng xương lấy từ một phần khác của cơ thể và đặt vào vùng xương bị hư hỏng.

Phẫu thuật gắn cố định (Internal fixation): Sử dụng ốc vít cùng với các tấm kim loại để cố định xương.

Lưu ý

Khi bắt đầu áp dụng điều trị, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi lại sức từ 4 - 5 tuần. Khuyến khích người bệnh nên nằm giường cứng để mang lại hiệu quả cao hơn so với nằm giường nệm.

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

Nói không với các loại thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như rượu bia, chất kích thích, đồ ăn chế biến công nghiệp,...

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Phụ nữ mang thai tại vùng đồng bào DTTS được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh

Đồng Nai: Phụ nữ mang thai tại vùng đồng bào DTTS được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh

Từ ngày 01/01/2025, phụ nữ mang thai sống tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đồng Nai được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh). Đây là một trong những chính sách trong Nghị quyết quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn vừa được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua.
Đọc nhiều