Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Bí thư Chi bộ “dân vận khéo”

PV - 14:52, 26/06/2018

Sinh năm 1982, năm nay 36 tuổi, 9 năm tuổi Đảng anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang luôn tận tụy trong vai trò, trách nhiệm của mình với cuộc sống của người dân. Những năm qua, cùng với việc vận động bà con trong thôn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, anh Tài còn tích cực tuyên truyền vận động đồng bào Khuổi Phầy tham gia xây dựng nông thôn mới.

Anh Hoàng Văn Tài kể lại, cuộc sống của người dân thôn Khuổi Phầy trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất đồi, rừng. Tư duy sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám người dân suốt nhiều năm. Là người sinh ra và lớn lên ở Khuổi Phầy, được dân tín nhiệm bầu làm phó trưởng thôn rồi trưởng thôn; sau đó, được đảng viên trong Chi bộ bầu làm Bí thư Chi bộ nên anh luôn trăn trở, tìm cách giúp người dân trong thôn từng bước thoát nghèo.

Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài (thứ hai từ phải qua) chia sẻ kinh nghiệm “dân vận khéo”. Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài (thứ hai từ phải qua) chia sẻ kinh nghiệm “dân vận khéo”.

Năm 2013, với sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật… từ Công ty Cổ phần chè Sông Lô, anh Tài đã vận động 1 hộ dân trong thôn cùng gia đình anh đưa giống chè Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên vào trồng thử nghiệm trên diện tích 5ha. Do hợp đất, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình nên cây chè phát triển tốt, giá trị từ cây chè thu về cao hơn gấp mấy lần so với trồng ngô trước đó.

Trước thành công đó, năm 2014, khi được anh Tài vận động trồng chè đặc sản, người dân trong thôn Khuổi Phầy đều nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, toàn thôn có 30ha chè đặc sản Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên. Với giá trung bình 18.000đồng/kg chè tươi, mỗi năm người dân có thể thu về khoảng 5 triệu đồng/ha chè.

Bên cạnh đó, anh Tài còn vận động bà con đưa cây lê đặc sản vào trồng trên đất đồi; đưa các loại rau trái vụ vào trồng trên đất ruộng 1 vụ, giúp tăng thu nhập cho người dân trong thôn. Anh Tài chia sẻ: “Vì là vùng núi cao nên khí hậu ở Khuổi Phầy quanh năm mát mẻ. Tháng 5/2016, trên diện tích 1.000m2 đất của gia đình mọi năm vẫn trồng lúa, tôi chuyển sang trồng bắp cải và khoai tây. Vụ rau đó, gia đình tôi thu về 4 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa. Qua thử nghiệm thấy hiệu quả nên tôi vận động bà con trong thôn cùng trồng”.

Ông Lý Văn Đình, người dân Khuổi Phầy tâm sự: Kinh tế của gia đình ông chủ yếu trông vào cây lúa, cây ngô, nhưng do không biết cách chăm sóc nên năng suất thấp, không đủ ăn. Năm 2013, được anh Tài vận động chuyển đổi giống cây trồng, gia đình ông đã chuyển 4,6ha diện tích đất trồng ngô sang trồng chè đặc sản Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên. “Sau 3 năm cây chè cho thu hoạch, hiện nay mỗi năm gia đình thu về trên 20 triệu đồng từ cây chè. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ cây chè nên năm 2017, gia đình ông đã thoát nghèo…”.

Không chỉ vận động bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài còn tích cực vận động bà con Khuổi Phẩy tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong ba năm (2015-2017), bản thân anh đã vận động được 10 hộ dân hiến trên 1.000m2 để làm nhà văn hóa thôn và mở đường vào khu sản xuất. Vận động người dân đóng góp 64 triệu đồng và trên 500 ngày công lao động để làm nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa lớp học mầm non tại thôn.

Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết: “Đồng chí Hoàng Văn Tài là Bí thư Chi bộ gương mẫu, tận tụy. Nhờ có sự vận động của đồng chí Tài, nên dù là thôn cao nhất, xa nhất của xã nhưng hiện Khuổi Phầy là một trong những thôn đứng đầu xã về phát triển kinh tế. Đời sống của người dân trong thôn đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2016 thôn còn 23 hộ nghèo, nay giảm xuống còn 18 hộ…”.

QUANG ĐÁN - MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.