Năm 2006, người dân xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) phải “nhường” hơn 38ha đất sản xuất nông nghiệp cho Dự án Khu Công nghiệp Đồng Sóc. Trước chủ trương của tỉnh, của huyện, người dân cũng đồng tình ủng hộ.
Sau nhiều năm bị thu hồi đất, người nông dân có cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Với 9 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động trong xã, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để ổn định đời sống cho nông dân, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng chuyển đổi ngành nghề, mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các hộ dân bị mất đất… Xã Vũ Di hiện đã đạt chuẩn NTM.
Cũng như xã Vũ Di, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phải nhường đất sản xuất nông nghiệp cho các dự án công nghiệp. Được biết, năm 2014, tổng quỹ đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh còn trên 50 nghìn ha, nhưng đến năm 2020 chỉ còn khoảng 43 nghìn ha.
Đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp nhưng bằng nhiều giải pháp, trong đó chú trọng khâu
chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, đời sống của người nông dân Vĩnh Phúc đã được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt trên 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 1,46%; toàn tỉnh có 112/112 xã đạt chuẩn NTM.
Nhưng điều đáng quan tâm là đến thời điểm này, Vĩnh Phúc chưa có xã nào đạt chuẩn NTM nâng cao. Phải chăng, giải pháp chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất đang có dấu hiệu “bão hòa”?
(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương)