Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khi bản sắc văn hóa trở thành thế mạnh phát triển du lịch

Vĩnh Hà - Lê Hường - 12:18, 29/01/2021

Là một tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt vời giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Gắn liền với đó là các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tận dụng tiềm năng, lợi thế này, những năm qua, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư khai thác bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, mang lại sức sống mới cho các làng đồng bào DTTS nơi đây…

Một góc làng du lịch cộng đồng Kon Pring
Một góc làng du lịch cộng đồng Kon Pring

Phát huy lợi thế giá trị văn hóa

Chúng tôi đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) vào một ngày cuối Đông, khi hoa mai anh đào nở rộ khắp nơi, mang theo sắc hồng thơm ngát hòa quyện trong sương mờ lung linh giữa đại ngàn Măng Đen huyền thoại.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn gỗ  truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, anh A Klung cho biết: Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring”, tháng 11/2018, UBND huyện Kon Plông đã hỗ trợ 3 hộ dân của làng này 3 tỷ đồng (1 tỷ đồng/hộ) xây dựng 3 nhà sàn truyền thống theo hình thức Homestay để đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Nhiều du khách thập phương, chủ yếu là du khách nước ngoài đã đến lưu trú.

“Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi đón khoảng 5 đoàn khách, mỗi đoàn 10 - 20 người. Sau khi trừ các khoản chi phí phục vụ các đoàn du khách, gia đình tôi thu được từ 12-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các nghệ nhân đánh cồng chiêng, múa xoang trong làng cũng có việc làm thêm để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều gia đình trong làng cũng mở quán bán quà lưu niệm, đồ ăn mang đậm nét truyền thống văn hóa của người dân tộc tại chỗ, du khách rất thích”, anh A Klung cho biết thêm.

Bà Đinh Thị Bích Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Măng Đen cho biết: Tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring đã xây dựng được 3 nhà lưu trú, giao cho 3 hộ gia đình trong thôn quản lý và sử dụng, với quy mô rộng 180m2; đầu tư xây dựng 1 nhà rông; thành lập được đội chiêng - xoang (với 18 người, gồm 11 nữ và 7 nam), tổ chế tác nhạc cụ và chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc như cơm lam, gà nướng, cá suối nấu ống nứa... Nhờ đó mà đến nay, toàn thị trấn chỉ còn 63 hộ nghèo trong tổng số 1.734 hộ dân toàn thị trấn, chiếm tỷ lệ 3,9%

“Từ phát triển du lịch cộng đồng gắn với các nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên mà đến nay, không chỉ đời sống kinh tế của bà con DTTS ngày càng phát triển mà các nghề truyền thống và các nét đẹp văn hóa của người Xơ Đăng cũng được bảo tồn, phát huy ”, bà Đinh Thị Bích Thủy khẳng định.

Thay đổi nhận thức của đồng bào

Trở về TP. Kon Tum, chúng tôi được cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kon Tum đưa đến thăm làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa nằm bên dòng sông Đăk Bla chảy ngược. Nằm cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 3km nên từ lâu, người dân làng Kon Kơ Tu đã biết làm du lịch. Đặc biệt, từ khi được UBND tỉnh công nhận là làng du lịch cộng đồng tháng 7/2020, người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ, thành lập Tổ hợp tác du lịch. Từ đây, người dân đã mở ra nhiều điểm lưu trú Homestay để thu hút khách du lịch khắp nơi đến tham quan, lưu trú.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm ở làng du lịch cộng đồng
Nghệ nhân ở Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu đang miệt mài dệt thổ cẩm

Tâm sự với chúng tôi, anh A Kâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa cho biết: Toàn làng có khoảng 146 hộ, trong đó trên 40% số hộ đã tham gia làm du lịch cộng đồng. Trước đây, bà con làm du lịch tự phát nên thu hút khách không nhiều. Nhưng kể từ khi được Nhà nước công nhận là làng du lịch cộng đồng, người dân không làm du lịch tự phát nữa, mà đã tham gia vào tổ hợp tác để cùng nhau làm du lịch mang tính cộng đồng, theo đó khách đến tham quan, lưu trú ngày càng đông, góp phần tạo nguồn thu nhập cho bà con.

Điều đáng mừng là, nhận thức của bà con dân tộc Ba Na nơi đây về phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch với bảo tồn văn hóa truyền thống đã có nhiều thay đổi. Đồng bào đã biết tận dụng những nghề truyền thống, những món ăn dân dã, điệu múa xoang, đánh cồng chiêng; những căn nhà sàn truyền thống… để tạo sự khác biệt, thu hút du khách đến tham quan, giao lưu, khám phá.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Trong năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum đã công nhận 10 làng du lịch, điểm du lịch cộng đồng. Hầu hết các điểm, làng du lịch này đều có bảng chỉ dẫn vị trí cụ thể; được người dân địa phương trưng bày các sản phẩm truyền thống của các DTTS trong tỉnh để phục vụ du khách thập phương.

Theo đó, toàn tỉnh thu hút được khoảng 360.000 lượt khách (trong đó có khoảng 10% lượt khách đến tham quan điểm, làng du lịch cộng đồng).

 "Tuy chưa nhiều, nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh Kon Tum trong nay mai”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.