Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Biểu tượng con hổ trên vách nhà gươl của đồng bào Cơ Tu

T.Nhân – H.Đại - 22:22, 03/02/2022

Nếu như người Tây Nguyên có nhà rông là niềm tự hào, thì người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn có nhà gươl để chào đón các vị khách phương xa tới thăm bản làng. Trên vách gươl của người Cơ Tu, có nhiều hình tượng kiến trúc đặc trưng được chạm khắc sinh động, tái hiện lại cuộc sống của đồng bào vùng cao. Song ấn tượng nhất là hình tượng con hổ được chạm khắc tinh vi, biểu thị cho sức mạnh và uy quyền của một ngôi làng.

Một góc không gian làng Cơ Tu ở Quảng Nam
Một góc không gian làng Cơ Tu ở Quảng Nam

Người Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở vùng Trường Sơn Đông (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng và một ít ở nước bạn Lào). Người Cơ Tu được định danh với nền văn hóa truyền thống đa dạng, mang nhiều nét đặc trưng độc đáo, từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể. Trong đó, điểm nhấn của văn hóa làng phải kể đến gươl và kiến trúc gươl, thông qua nghệ thuật điêu khắc.

Trong căn nhà truyền thống, nhấp một ngụm trà, già làng Bh’ling Hạnh, ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, (Quảng Nam) kể rằng: “Tất cả các buôn làng người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có gươl. Gươl truyền thống đẹp nhất của người Cơ Tu phải kể đến “choong gươl” như hình chiếc nón lá. Nhà gươl của người Cơ Tu như một bảo tàng nghệ thuật sống, là cầu nối giữa con người với vũ trụ, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà, tổ tiên của người Cơ Tu.

Kiến trúc nhà gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu là nhà sàn, được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây, nhìn từ xa, mái gươl có hình dáng như trái xoài. Theo già Bh’ling Hạnh, trên từng vách gươl, người Cơ Tu còn tái hiện đời sống sinh hoạt cộng đồng, điêu khắc chân dung người phụ nữ giã gạo, hoạt động săn bắt, vui múa cồng chiêng... Đây được xem như “thông cáo chung” của làng, nhìn vào gươl và kiến trúc trang trí, có thể nhận biết vai trò sức mạnh, sự giàu có, quy mô gắn kết cộng đồng của cả vêêl (làng).

Nhà gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng. Không gian nhà gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, Lễ mừng được mùa...

“Mỗi hình tượng kiến trúc, mỗi linh vật khi đưa vào gươl đều mang ý nghĩa chung, phản ánh câu chuyện tâm linh của cả cộng đồng. Ví dụ, hình tượng hổ biểu đạt về sức mạnh, tinh thần kiên cường, không chịu khuất phục trước cuộc sống; phượng hoàng đất (chim triing) mang vẻ đẹp quyền năng, thể hiện cuộc sống tự do tự tại; con trâu hàm nghĩa về sự siêng năng, cần cù, không lười biếng”, già Bh’ling Hạnh chia sẻ.

Đặc biệt, hình tượng con hổ dù không xuất hiện phổ biến, nhưng lại chiếm lĩnh vị trí quan trọng nhất trong tín ngưỡng của cộng đồng. Bởi hổ chính là chúa tể rừng xanh, có sức mạnh và quyền uy trước muôn loài. Vì thế, việc chạm khắc và đặt vị trí hình tượng hổ trên gươl cũng được cân nhắc kỹ lưỡng và có sự đồng ý của hội đồng già làng, những Người có uy tín trong cộng đồng vùng cao.

Trên vách gươl của người Cơ Tu, hình tượng hổ được tạo hình với nhiều hình dạng khác nhau, chủ yếu là tư thế hổ đang vồ con mồi hoặc di chuyển. Đáng chú ý, người Cơ Tu thường tạc tượng hổ bằng gỗ tròn hoặc tạc vào ván như một bức phù điêu khắc nổi. Trong khi đó, một số gươl, hổ được vẽ và tô màu rất độc đáo.

Hình tượng hổ được khắc họa trên vách gươl của người Cơ Tu
Hình tượng hổ được khắc họa trên vách gươl của người Cơ Tu

Già làng Y Kông, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ: Phổ biến nhất trong kiến trúc trang trí gươl của người Cơ Tu phải kể đến chim triing và đầu trâu nhưng, hình tượng hổ vẫn xuất hiện ở một số gươl, tuy không phổ biến nhưng lại mang ý nghĩa rất cao về mặt tâm linh, thể hiện sức mạnh cộng đồng và tinh thần không chịu khuất phục. Đó là giá trị truyền thống, thể hiện quan điểm sống của người Cơ Tu ở dãy Trường Sơn”, già Y Kông bộc bạch.

Ông Alăng Ngước, Chi Hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS và miền núi (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam) cho rằng, đề tài phản ánh trên gươl Cơ Tu khá đa dạng, thể hiện cái nhìn tổng thể về thiên nhiên, thế giới động, thực vật và cuộc sống sinh hoạt xã hội cộng đồng vùng cao. Mỗi kiến trúc, mỗi hình tượng đều mang ý nghĩa, giá trị khác nhau nhưng lại có điểm chung về nghệ thuật sống, về tinh thần gắn kết cộng đồng. “Người Cơ Tu khắc họa hình tượng hổ trên vách gươl làng không đơn thuần là để trang trí, mà còn biểu đạt về sức mạnh cộng đồng. Đó chính là đoàn kết - câu chuyện sống mà người Cơ Tu hướng đến. Ngày xưa, để trừ tà và chống lại điều xui xẻo, người đàn ông Cơ Tu thường đeo vuốt hổ hoặc nanh hổ với niềm tin sẽ có sức mạnh như hổ để chiến thắng kẻ thù”, ông Alăng Ngước hồi ức.

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…