Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Dân cần đất sản xuất, doanh nghiệp lại bàn giao trên giấy?

Lê Phương - 10:57, 21/02/2020

Vì thiếu đất sản xuất nên người dân phải lấn chiếm, chặt phá rừng để có đất canh tác. Trong khi đó, công ty lâm nghiệp dù đã thực hiện bàn giao hàng nghìn ha đất không sử dụng cho địa phương, nhưng chỉ mới là bàn giao trên giấy tờ, nên chính quyền địa phương rất lúng túng trong giải quyết đất sản xuất (ĐSX) cho người dân?!.

Nhiều người dân thiếu đất nên lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất
Nhiều người dân thiếu đất nên lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất

Biết sai vẫn phải làm

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có 1.594 hộ đồng bào DTTS thiếu ĐSX. Riêng trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh đã có hàng trăm trường hợp thiếu đất sản xuất; vì thế đây là một trong những địa phương thường xuyên “nóng” tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp của tỉnh Bình Định.

Đáng nói là, mặc dù biết lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng là vi phạm nhưng người dân vẫn phải làm vì sinh kế của họ phụ thuộc vào đất, trong khi đất lại không có. Như gia đình ông Đinh Văn Leo, một người dân ở làng Cát, xã vùng cao Canh Liên, có 5 nhân khẩu, nhưng chỉ có 1 sào ruộng, làm mấy cũng không đủ ăn. Vì vậy, gia đình ông phải lấn đất lâm nghiệp để trồng mì, trồng bắp, trồng keo cải thiện cuộc sống.

Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên cho biết, toàn xã có hơn 600 hộ dân, nhưng hầu hết người dân ở địa phương không có đất hoặc thiếu ĐSX. Đa phần diện tích đất bà con sử dụng để canh tác hiện là đất lấn chiếm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi người dân trên địa bàn xã Canh Liên nói riêng, huyện Vân Canh nói chung vì thiếu ĐSX, buộc phải lấn chiếm, phá rừng để có đất canh tác thì hiện Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (gọi tắt là Công ty Hà Thanh) - đơn vị đang quản lý, sử dụng 18.778ha rừng và đất rừng thuộc địa bàn huyện Vân Canh lại đang thừa hàng nghìn ha không sử dụng.

Theo ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Thanh, hiện đơn vị còn 3.471,3ha đất công ty chưa sử dụng, đến nay có 1.588,2ha đất đã bị dân xâm lấn. Ông Tùng cho rằng, vì nhu cầu cuộc sống của người dân nên đơn vị không xử lý kiên quyết các trường hợp lấn chiếm.

Ông Tùng thông tin thêm, sau khi có chủ trương của tỉnh, đơn vị đã đồng ý trả lại diện tích đất đó cho địa phương. Việc thu hồi, đo đạc và phân chia cho người dân thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị sẽ hỗ trợ thêm về kinh phí.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Công ty Hà Thanh mới chỉ bàn giao đất lâm nghiệp về cho địa phương trên giấy tờ. Như tại xã Canh Liên, theo ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, 1.773,3ha đất mà Công ty Hà Thanh đã giao lại cho xã quản lý chỉ là trên giấy tờ, không rõ ràng. Hầu hết diện tích này đã bị dân lấn chiếm và sử dụng ổn định thời gian dài nên rất khó thu hồi.

Cũng vì thế, từ năm 2013 đến nay, 13 hộ dân làng Hà Giao đã nhiều lần có đơn xin 33ha đất tại khu vực Kon Ka Chuối, suối Cha Bưa, xã Canh Liên (do Công ty Hà Thanh quản lý) nhưng vẫn không được giải quyết.

Thiết nghĩ, việc giải quyết dứt điểm nhu cầu ĐSX cho người dân là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. 

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.