Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng Thượng Sơn

Lê Phương - 17:50, 30/07/2020

Ngày 22/7, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải bài viết: “Bình Định: Rừng tự nhiên bị “cạo trọc”, chính quyền không hay biết” phản ánh về vụ phá rừng tự nhiên tại tiểu khu 235, thôn Thượng Sơn, xã Tây thuận, huyện Tây Sơn. Sau khi Báo đăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Định đã có báo cáo về việc phá rừng nêu trên.

Bình Định: Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng Thượng Sơn
Nhiều khoảnh rừng tự nhiên và cây gỗ có đường kính lớn tại tiểu khu 235 bị tàn phá


Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, địa điểm xảy ra vụ phá rừng tại khoảnh 2, 3, tiểu khu 235, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn là  diện tích rừng do UBND xã Tây Thuận và các hộ gia đình được giao theo Dự án KFW6 để khoanh nuôi tái sinh.

Tổng số gốc cây gỗ bị cắt hạ tại hiện trường là 18 gốc, trong đó có 3 gốc mới cắt và 15 gốc vết cắt đã cũ. Có 7 gốc nằm tập trung trong diện tích 730m2 và 11 gốc nằm rải rác tại nhiều vị trí khác nhau.

Trong số 18 gốc bị chặt hạ có 1 gốc cây Cà Te 2 thân, đường kính 20cm, thuộc nhóm IIA, còn lại chủ yếu là cây Kơ-nia (cầy) nhóm VI, Giẻ thuộc nhóm V và một số cây gỗ tạp cứng. Tất cả các gốc cây gỗ được kiểm tra có đường kính từ 10cm đến 45cm (chỉ có 1 cây Kơ-nia có đường kính gốc 45cm), tổng diện tích thiệt hại là 1.174 m2.

Ngoài ra, tại hiện trường, các cơ quan chức năng còn phát hiện 2 lò than, một xe mô tô hai bánh (không có chủ). Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp cùng UBND xã Tây Thuận đã tiến hành tiêu hủy 2 lò than và tạm giữ xe máy.

Sở NN&PTNT Bình Định cũng giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và các chủ rừng được giao rừng theo Dự án KfW6 tăng cường kiểm tra rừng để phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm Luật lâm nghiệp.

Sau khi nhận được báo cáo của Sở NN&PTNT, ngày 24/7/2020, UBND tỉnh Bình Định đã có Công văn số 4916/UBND-KT giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Tây Sơn phải điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 235, thuộc thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn xử lý trách nhiệm kiểm lâm địa bàn để xảy ra vụ việc trên, báo cáo kết quả UBND tỉnh trước ngày 15/8/2020.

Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ
Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ

Điều đáng nói là, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Định thì chỉ có 1.174 m2 rừng bị thiệt hại. Diện tích này rất nhỏ so với thực tế mà phóng viên ghi nhận tại hiện trường. Để làm rõ hơn vấn đề này, ngày 29/7, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc trược tiếp với ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Tại buổi làm việc, ông Trần Châu khẳng định: Qua thông tin, hình ảnh mà phóng viên cung cấp, UBND tỉnh Bình Định chưa đồng ý với báo cáo của Sở NN&PTNT. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cho Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Tây Sơn xác định lại diện tích rừng bị phá tại các khoảnh; tổng hợp lại số liệu cây rừng bị đốn hạ, đường kính lớn vì trong báo cáo của Sở NN&PTNT không ghi rõ; tổ chức tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân đối tượng phá rừng. Đồng thời, xử lý trách nhiệm kiểm lâm địa bàn và những cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra vụ việc; trả lời cơ quan báo chí trong thời gian sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.