Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bình Định: Đưa du lịch biển - đảo thành sản phẩm chủ lực

T.Nhân - 01:38, 17/08/2023

Ngày 16/8, Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy, về phát triển du lịch Bình Định, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, du lịch biển - đảo là sản phẩm chủ lực.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định giai đoạn 2020 - 2025, thời gian đầu khi triển khai thực hiện chương trình hành động tỉnh gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 6 tháng cuối năm 2021, lượng khách đến Bình Định giảm mạnh so với năm 2020. 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch Bình Định hồi sinh mạnh mẽ. Trong đó, đã phát huy được một số thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh, nhất là du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử; đẩy mạnh quảng bá, liên kết, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường du lịch; tổ chức được chuỗi các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch… tạo điểm nhấn, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước, qua đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại Hội nghị
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Lượng khách du lịch đến tỉnh 6 tháng cuối năm 2021, Bình Định đón được 266.009 lượt khách, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2020; năm 2022, đón hơn 4,1 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế đạt 78.989 lượt khách), tăng 185,2% so với năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2023 đón được hơn 2,7 triệu lượt khách, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2022 (Nghị quyết đề ra là 8.000.000 lượt, trong đó có 1.500.000 lượt khách quốc tế).

Cũng theo ông Thanh, doanh thu du lịch 6 tháng cuối năm 2021 đạt được 127,48 tỷ đồng, giảm 88,3% so với cùng kỳ năm 2020; năm 2022, đạt được 13.119 tỷ đồng, tăng 658,3% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 đạt được 7.617,59 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 2,8 ngày (Nghị quyết đề ra là 3 ngày). Trong khi đó, lao động trực tiếp phục vụ du lịch trong ngành đạt 8.500 lao động, tăng 21,91% so với năm 2021 (Nghị quyết đề ra là 16.000 lao động). 

Riêng về cơ sở lưu trú, hiện toàn tỉnh có 414 cơ sở lưu trú, tăng 7,25% (tăng 28 cơ sở lưu trú) so với năm 2021, tương ứng với 13.323 phòng, tăng 12,98% (tăng 1.531 phòng) so với năm 2021 (Nghị quyết đề ra là 25.000 phòng).

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định phát biểu tại Hội nghị

Ðể triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, Ban Chỉ đạo xác định, giải pháp tiếp tục vẫn đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh.

“Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các bãi tắm an toàn, sạch đẹp kết hợp với hình thành các sản phẩm du lịch thể thao biển tại các bãi biển. Xây dựng Lễ hội du lịch Hè thành sự kiện thường niên nhằm tạo thương hiệu điểm đến du lịch biển Quy Nhơn - Bình Định”, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định giai đoạn 2020 - 2025 nhấn mạnh.

Bình Định có tiềm năng về biển – đảo để phát triển thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh
Bình Định có tiềm năng về biển - đảo để phát triển thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ: Hiện nay, Bình Định có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, chất lượng cũng chưa cao. Bởi thế, chúng ta phải có cách làm mới, ngay cả như trong cách phục vụ du khách cũng cần phải chuyên nghiệp hơn. Cần phải đầu tư cho du lịch như các khu vui chơi lớn, hiện đại; sản phẩm du lịch cần phải chất lượng hơn. 

“Kinh tế đêm của chúng ta so với các nơi thì vẫn chưa nổi bật, như phố ẩm thực Quy Nhơn vẫn chưa được bài bản. Hơn hết, chúng ta có nhiều tháp cổ kính, đẹp, tuy nhiên việc khai thác để thu hút du lịch vẫn còn hạn chế. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu vẫn còn bất cập”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhìn nhận .

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu, tỉnh cần nâng cao chất lượng quảng bá, xúc tiến thị trường, phát triển thương hiệu du lịch của Bình Định. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kể cả về quản lý nhà nước và lao động nghề du lịch. Trong trường hợp cần thiết thì đề nghị xây dựng một chính sách đào tạo nguồn nhân lực, báo cáo với HĐND tỉnh. 

“Thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, nhất là công tác kiểm tra, hướng dẫn hỗ trợ các hoạt động du lịch. Quản lý tốt khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch. Còn nữa, giữ vững môi trường du lịch “3 tốt, 3 không” như đề án chúng ta đã triển khai”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.