Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Bình Định: Hỗ trợ nông dân tái đàn gia súc

Thành Nhân - 15:20, 18/10/2021

Sau khi khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi và thực hiện nới lỏng quy định giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Định đã nhanh chóng ban hành chính sách vay vốn, hỗ trợ người dân tái đàn gia súc kịp thời phục vụ cho thị trường vào dịp Tết và sau Tết Nguyên đán năm 2022.

Nhờ chính sách hỗ trợ, giúp người dân Bình Định có điều kiện để tái đàn bò
Nhờ chính sách hỗ trợ, giúp người dân Bình Định có điều kiện để tái đàn bò

Tiếp sức cho những hộ chăn nuôi bò

Trong 5 tháng xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC), toàn tỉnh Bình Định có 3.347 con bò chết, tiêu hủy (chiếm tỷ lệ 1,07% tổng đàn bò). Sau khi khống chế được dịch, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 4019/QÐ-UBND, quy định chính sách hỗ trợ phát triển tái đàn bò trên địa bàn tỉnh. Chính sách ban hành kịp thời khuyến khích người chăn nuôi gây đàn, từng bước khôi phục chăn nuôi bò, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Theo Quyết định số 4019/QÐ-UBND, có tổng cộng 45 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tái đàn bò, trong đó vốn do Trung ương hỗ trợ là 30 tỷ đồng, vốn địa phương là 15 tỷ đồng được phân bổ cho các huyện.

Ông Trần Văn An, xóm Đồng Trạng, thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân chia sẻ: Đàn bò nhà tôi bị bệnh VDNC lớp thì chết, lớp thì bị tiêu hủy, thiệt hại kinh tế rất lớn. Gia đình tôi rất lo lắng vì không biết lấy vốn đâu để đầu tư lại đàn bò. Vừa rồi, chính quyền địa phương thông báo được nhà nước cho vay vốn ưu đãi để phục hồi chăn nuôi, tôi mừng lắm.

Nói về chính sách này, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay: Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, đang lúc khó khăn lại được hỗ trợ vay vốn tái đàn với điều kiện, lãi suất ưu đãi, người chăn nuôi rất phấn khởi, điều này sẽ góp phần phục hồi sản xuất, ổn định thị trường chuẩn bị Tết Nguyên đán.

“Đây cũng là bước đệm để Bình Định thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt nông hộ giai đoạn 2021 - 2025, tập trung phát triển chất lượng đàn bò thịt với mục tiêu tăng đàn bò lai lên 490.000 con và tiếp tục phát huy hiệu quả nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Ðịnh", ông Hùng chia sẻ thêm.

Người dân chăn nuôi lợn tại Hoài Ân (Bình Định) đang nỗ lực tái đàn để cung cấp thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022
Người dân chăn nuôi lợn tại Hoài Ân (Bình Định) đang nỗ lực tái đàn để cung cấp thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022

Tín hiệu phục hồi ở “vựa lợn lớn nhất miền Trung”

Huyện Hoài Ân, địa phương nuôi lợn nhiều nhất tỉnh Bình Định, nơi được mệnh danh là “vựa lợn lớn nhất miền Trung”, gần như 100% hộ dân ở Hoài Ân đều lấy nghề nuôi lợn làm nguồn thu chính trong nông hộ. Tại thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát, huyện có 8.000 hộ chăn nuôi với gần 400.000 con. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 kéo dài, giá thành của các loại thức ăn cho lợn tăng cao nên người dân hạn chế mở rộng chăn nuôi.

Một nguyên nhân khác khiến người chăn nuôi ở Hoài Ân không dám tái đàn, là do cách đây không lâu, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát, khiến người chăn nuôi đắn đo việc tái đàn.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết: Sau nhiều nỗ lực, hiện đợt DTLCP mới bùng phát trên địa bàn huyện Hoài Ân đã được khống chế. Lúc này lại đang đúng vào thời điểm tái đàn để kịp cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, do đó người chăn nuôi lợn trên địa bàn đã bắt đầu thả heo giống nuôi trở lại. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Hoài Ân sẽ phấn đấu nâng tổng đàn lợn trên địa bàn tăng lên 285.000 con.

Anh Nguyễn Văn Bình, ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân là người nuôi heo với số lượng lớn cho biết: Trước khi thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, lợn giống siêu nạc nuôi theo công nghệ cao tại các trang trại có giá đến hơn 3,2 triệu đồng/con (10kg), còn lợn giống nuôi trong nông hộ có giá 2,2 triệu đồng/con (7kg). Thế nhưng hiện nay, giá lợn giống đã giảm mạnh, riêng heo giống nuôi trong nông hộ chỉ còn 650.000 - 700.000 đ/con (7kg), giảm 3 lần. Đây là điều kiện để người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn để đón đầu thị trường dịp cuối năm.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay: Ngành Nông nghiệp đang tích cực vận động người dân tái đàn lợn để xuất bán dịp cuối năm. Ngoài việc tiếp tục phối hợp với các sở ngành liên quan để hỗ trợ việc vận chuyển, lưu thông xuất bán lợn ra các tỉnh phía Bắc.

"Sở cũng đã xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 mở rộng quy mô chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn lợn cũng cần được thực hiện thận trọng, vừa từng bước tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ, vừa đẩy mạnh tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn", ông Hùng cho hay.

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.