Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Lãng phí tài nguyên đất vì những khu công nghiệp “treo”

Lê Phương - 21:39, 20/04/2020

Hàng chục năm nay, hàng trăm ha đất sản xuất đã bị thu hồi để triển khai xây dựng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Nhưng nhiều KCN đến nay vẫn “án binh bất động”, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hơn 11 năm nay, KCN Hòa Hội mới chỉ xây dựng được vài hạng mục công trình nhỏ
Hơn 11 năm nay, KCN Hòa Hội mới chỉ xây dựng được vài hạng mục công trình nhỏ

Đất bỏ hoang

KCN Hòa Hội (huyện Phù Cát) chính thức khởi công xây dựng ngày 29/7/2009, diện tích đất quy hoạch là 265ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 440 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng KCN Hòa Hội là, nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện Phù Cát cũng như của tỉnh Bình Định.

Ông Võ Văn Được, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh (Phù Cát) cho biết: “Khi chính quyền có chủ trương xây dựng KCN tại xã, người dân rất phấn khởi. Ai cũng nghĩ, có KCN thì con em không phải đi xa quê làm thuê kiếm sống nữa. Vì vậy, khi công bố quy hoạch, người dân sẵn sàng giao nhà, giao đất để có mặt bằng xây dựng KCN”.

Theo kế hoạch, đến tháng 9/2011, KCN Hòa Hội sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và đến tháng 12/2013 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Bình Định đã ra văn bản đình chỉ đối với đơn vị này.

Đến tháng 5/2016, Công ty CP Đầu tư phát triển KCN và Đô thị Phúc Lộc được UBND tỉnh Bình Định giao làm chủ đầu tư KCN Hòa Hội. Tuy nhiên, đến nay KCN này vẫn là một bãi đất hoang hóa, nham nhở.

Cũng nằm trong tình trạng tương tự là Cụm Công nghiệp (CCN) Cầu Nước Xanh, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn). CCN này được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, với diện tích khoảng 50ha.

Với lợi thế nằm ngay bên tuyến Quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn đi các tỉnh Tây Nguyên qua Gia Lai, CCN Cầu Nước Xanh được kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp về đây xây dựng nhà máy.

Dân không có đất sản xuất

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thực hiện dự án KCN Hòa Hội, khoảng 300 hộ gia đình ở thôn Mỹ Hóa và Hòa Hội (xã Cát Hanh) bị thu hồi nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Trong đó, đa số các hộ bị giải tỏa trắng về nhà ở, đất ở, bị thu hồi từ 80 - 90% diện tích đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, người dân thôn Mỹ Hóa cho biết: Khi bắt đầu triển khai xây dựng KCN, đất đai canh tác của người dân hầu hết bị thu hồi. Trước khi bị giải tỏa, mỗi năm gia đình ông canh tác cũng kiếm được vài chục triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống. “Nhưng đã 11 năm trôi qua, chúng tôi không còn đất sản xuất, mất nguồn thu nhập. Không còn đất canh tác, hiện chúng tôi trở thành nông dân thất nghiệp. Nhiều người phải ly hương đi khắp nơi tìm việc tạo kế sinh nhai, cuộc sống rất bấp bênh”, ông Sỹ than phiền.

Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) cũng không có đất sản xuất vì dự án CCN Cầu Nước Xanh. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Việc dự án KCN Hòa Hội thi công chậm tiến độ, người dân bức xúc là không thể tránh khỏi. UBND huyện đã rất nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng và UBND tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay, kiến nghị của địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.

“Huyện rất mong các ngành chức năng có liên quan và đơn vị chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội, sớm đi vào hoạt động, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho huyện, tỉnh”, ông Kiên mong muốn.

Tin cùng chuyên mục
Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Vân Đồn (Quảng Ninh): Nhiều hộ dân “ở không được, đi cũng không xong”

Theo phản ánh của người dân, hàng chục hộ ở 2 thôn 10/10, xã Vạn Yên và Đồng Dọng cũ, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chật vật gần 20 năm nay do dự án hồ chứa nước Đồng Dọng "án binh bất động". Tại đây, không ít hộ dù chưa được đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cũng bị giải tỏa, mất kế sinh nhai.