Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bình Định: Tăng cường các giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn

Ngọc Thu - 15:05, 27/05/2022

Trong những năm qua, nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu… bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa
Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021- 2025”, UBND các cấp đã phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương vùng DTTS, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giới tính, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hoạt động này được tổ chức trên cơ sở, phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với các tiêu chí cụ thể để đánh giá xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, xếp loại khu dân cư vào ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" (ngày 18/11) hằng năm.

Ông Sô Lan Tài, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho biết, xác định vai trò quan trọng của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, trong những năm qua, đội ngũ những Người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có việc đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS.

Tích cực trong công tác này có già làng Mai Kim Đô, làng Hiệp Hưng (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh). Trong câu chuyện với chúng tôi, già làng Đô chia sẻ về phương pháp vận động giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là phải đưa các nội dung này vào hương ước của làng để bà con nhớ, làm theo.

“Bên cạnh việc nói về tác hại của tảo hôn đối với cuộc sống, tương lai của người trẻ, khi vận động, tuyên truyền, tại các buổi sinh hoạt làng, tôi thường xuyên lặp đi lặp lại với bà con rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật để bà con nhận thức đúng về hậu quả”, ông Đô kể.

Ngoài ra, các chi hội thanh niên, phụ nữ, nông dân đã lồng ghép tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể tại các thôn, làng.

Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đa dạng các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng cách lồng ghép kiến thức liên quan vào chương trình học, thường xuyên tổ chức các diễn đàn chia sẻ kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, triển khai các hoạt động ngoại khóa như: Biểu diễn hoạt cảnh, văn nghệ tuyên truyền, học tập các tấm gương sáng...

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các huyện, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh tổ chức các diễn đàn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã khu vực III, xã có đông đồng bào DTTS sinh sống và các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, để giảm thiểu tảo hôn, xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát cần tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng kiểm tra các thôn, làng, khu phố chưa đưa nội dung tảo hôn vào hương ước, quy ước và chưa thực hiện cam kết không tảo hôn. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy định thang điểm, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh.

“Đặc biệt, khi phát hiện tình trạng tảo hôn, thì chính quyền địa phương phải phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và các hội, đoàn thể huyện kịp thời giải thích, vận động, lập biên bản đình chỉ không cho tổ chức kết hôn, sống chung với nhau như vợ chồng. Xử phạt hành chính các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật, hương ước, quy ước khu dân cư và có biện pháp xử lý các địa phương còn để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, ông Lung nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.