Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: “Vàng tặc” lại lộng hành

Thành Nhân - 10:14, 22/09/2020

Nếu như trước đây, huyện Hoài Ân là “điểm nóng” về nạn khai thác vàng trái phép của tỉnh Bình Định thì nay, “điểm nóng” này đã chuyển sang 2 huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh. Các đối tượng tập trung dựng lán trại, vận chuyển máy móc rầm rộ khai thác vàng trong thời gian dài nhưng chính quyền cơ sở cũng không hề hay biết.

Một hầm vàng trên núi Lỗ Sổ.
Một hầm vàng trên núi Lỗ Sổ.

Ngày càng liều lĩnh, tinh vi

Mặc dù nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã tích cực truy quét nạn khai thác vàng trái phép tại núi Lỗ Sổ, thuộc thôn Tiên Thuận, và Tiên Trị xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Tuy nhiên, qua một thời gian, các đối tượng “vàng tặc” tiếp tục quay trở lại, hoạt động ngày càng liều lĩnh và tinh vi hơn. Trong quá trình khai thác vàng, các đối tượng đã băm nát những khu vực nói trên, nhiều cây rừng bị triệt hạ, xả nước thải trực tiếp ra nguồn nước suối dẫn vào sông Kôn, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc nổ, hóa chất độc hại làm ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận cho hay: Khu vực này giáp ranh với xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, đường núi khó khăn, phải đi bộ mất 2 - 3 giờ mới vào đến khu vực rừng nơi “vàng tặc” khai thác. Khi tới nơi, “vàng tặc” đã chạy trốn vào rừng núi. Các lực lượng chỉ tịch thu tang vật máy móc, đốt bạt che, lán trại.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra tại khu vực núi Lỗ Sổ. Qua kiểm tra đã phát hiện ông Trần Văn Mót (46 tuổi), ở thôn Tiên Thuận (xã Tây Thuận) và bà Trương Thị Gái (44 tuổi) ở thôn Thượng Giang 1 (xã Tây Giang) đang đào, đãi vàng. Tại hiện trường, tổ công tác ghi nhận 7 hầm khai thác vàng, trong đó 6 hầm đã dừng hoạt động từ lâu, 1 hầm vừa dừng hoạt động.

Xã thiếu chế tài xử lý

Cũng theo ông Đỗ Văn Sỹ, những điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn đã tồn tại trong thời gian dài nhưng rất khó xử lý. Huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các ngành Công an, Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, nhưng khi có động là “vàng tặc” trốn vào rừng, khi tổ công tác về lại tiếp tục khai thác. Mới đây, sau khi phá hủy các hầm vàng, ngày 21/8, tổ công tác quay lại hiện trường, thì phát hiện hoạt động khai thác vàng trái phép lại tái diễn tại núi Lỗ Sổ và núi Tiên Trị. Căn cứ vào lượng nhiên liệu lớn mà “vàng tặc” dự trữ tại các điểm khai thác vàng cùng với nhiều thiết bị, máy móc, tổ công tác xác định rằng, hoạt động của các đối tượng “vàng tặc” này rất chuyên nghiệp, có quy mô lớn.

Còn tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh), ngành chức năng đã phát hiện 4 điểm khai thác vàng trái phép, tập trung chủ yếu tại Bãi Dết, Bờ Rũ, Hố Sâu thuộc Tiểu khu 236 ở thôn M9, với tổng cộng 12 hầm khai thác vàng. Ông Nguyễn Văn Việt, cán bộ Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường xã Vĩnh Hòa cho biết: “Đây là khu vực giáp ranh, các hầm đào vàng bên Vĩnh Hòa, còn lán trại thì dựng bên Tây Sơn. Vì khu vực giáp ranh nên cứ thấy động là các đối tượng chạy qua phía Tây Sơn làm. Hầu hết “chủ mỏ” là người dân ngoài địa phương, thuê nhân công đến làm trái phép”.

Về hướng xử lý các điểm khai thác vàng trái phép tại xã Vĩnh Hòa, ông Nguyễn Văn Việt cho hay: Xã đã lập báo cáo và đang chờ huyện cho chủ trương xử lý. Ðể xử lý rốt ráo vấn đề trên, tôi nghĩ phương án tối ưu nhất là đánh sập hoặc san lấp các hầm vàng; đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng “đầu nậu” và người trực tiếp đào, đãi vàng trái phép. Song, biện pháp này nằm ngoài khả năng của địa phương và cần sự cho phép, hỗ trợ của huyện và tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.