Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: “Vàng tặc” vẫn tung hoành trên núi Lỗ Sổ

Lê Phương - 12:08, 14/11/2019

Mặc dù nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã tích cực truy quét nạn khai thác vàng trái phép tại núi Lỗ Sổ, thuộc thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Song, do địa hình hiểm trở, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Núi Lỗ Sổ đang bị vàng tặc đào bới để khai thác vàng.
Núi Lỗ Sổ đang bị vàng tặc đào bới để khai thác vàng.

Người dân địa phương cho biết, từ hơn 10 năm trước, “vàng tặc” nhiều nơi kéo về núi Lỗ Sổ khai thác vàng trái phép. Các đối tượng khai thác vàng hoạt động chủ yếu tại khu vực rừng cộng đồng thôn Tiên Thuận, thuộc Tiểu khu 250a, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. 

Hoạt động của “vàng tặc” ngày một manh động, tinh vi, liều lĩnh. Khi lực lượng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng truy quét, “vàng tặc” liền bỏ lại phương tiện, dụng cụ, bạt che, máy móc tại hiện trường rồi trốn vào rừng sâu, gây khó khăn cho công tác xử lý các đối tượng. Trong quá trình khai thác vàng, các đối tượng xả nước thải trực tiếp ra nguồn nước suối dẫn vào sông Kôn, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc nổ, hóa chất độc hại làm ô nhiễm môi trường.

Được biết, thời gian qua, UBND xã Tây Thuận đã tiến hành nhiều đợt tuần tra, kiểm tra việc khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng cộng đồng thôn Tiên Thuận và phát hiện hai điểm đào vàng. 

Một người dân xóm 1, thôn Hòa Thuận cho biết: Các đối tượng đến địa phương khai thác vàng chủ yếu là người các tỉnh phía Bắc. Họ đi theo từng tốp, khai thác từng đợt, khi nào có chính quyền địa phương, công an tuần tra truy bắt thì họ lại tạm nghỉ, sau đó tiếp tục hoạt động khai thác. Từ khi “vàng tặc” xuất hiện, nguồn nước suối chảy xuống sông Kôn, dân không dám sử dụng sinh hoạt, kể cả không dùng cho bò uống. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, khiến người dân bức xúc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho hay: Hằng năm cán bộ xã đều đi tuần tra, kiểm tra nhưng khi vào tận khu vực khai thác vàng ở sâu trong núi, thì các đối tượng bỏ chạy không bắt được. Chưa kể, khu vực này giáp ranh với xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, đường núi khó khăn trở ngại, phải đi bộ mất 2 - 3 giờ mới vào tận khu vực rừng nơi “vàng tặc” khai thác. Khi tới nơi, “vàng tặc” đã chạy trốn vào rừng núi. Các lực lượng chỉ tịch thu tang vật máy móc, đốt bạt che, lán trại. UBND xã nhiều lần đề nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo các ngành chức năng của huyện có biện pháp xử lý triệt để việc khai thác vàng trái phép. 

Ông Chín cũng thông tin, các đối tượng khai thác khoáng sản vàng trái phép manh động, liều lĩnh, vùng khai thác vàng giáp ranh giữa hai huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh. Để dẹp được “vàng tặc” cần có lực lượng, trấn áp, truy quét. Các cơ quan chức năng tỉnh cần phối hợp UBND các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh tăng cường kiểm tra, truy quét và xử lý các đối tượng hoạt động khai thác vàng trái phép. “Theo tôi, các ngành chức năng cho phép sử dụng thuốc nổ đánh sập các hầm khai thác và phá hủy tất cả các phương tiện thì “vàng tặc” mới dừng hoạt động”, ông Chín chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.