Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Bình Gia (Lạng Sơn): Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ Dự án 585

Thúy Hồng - 16:10, 14/04/2021

Thời gian qua, lĩnh vực y tế của huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã có nhiều khởi sắc, nhờ các bác sĩ trẻ tham gia Dự án bác sĩ trẻ đã được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa (Dự án 585).

Các bác sĩ của TT Y tế huyện Bình Gia thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân.
Các bác sĩ của TT Y tế huyện Bình Gia thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân.

Bình Gia là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn, được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực y tế chất lượng cao để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Năm 2017, Bình Gia là 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh tham gia Dự án 585 thực hiện “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”. Ban đầu, việc thu hút bác sĩ trẻ về công tác tại huyện gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên, sau khi Dự án điều chỉnh, bổ sung thêm nhiều điều kiện mới như: Mở rộng đối tượng tham gia là các bác sĩ được đào tạo liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế của tỉnh. Qua đó, nhiều bác sĩ trẻ đang công tác tại đơn vị đã được chọn lọc, gửi đi đào tạo để sau đó sẽ trở về công tác tại vùng địa bàn khó khăn.

Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Gia cho biết: Được sự tư vấn thường xuyên của Ban Quản lý Dự án 585, từ 2017 đến nay, đơn vị đã cử 6 cán bộ tham gia Dự án. Đơn vị trực tiếp lấy ý kiến, nguyện vọng của các bác sĩ đã được tuyển dụng vào biên chế, có mong muốn công tác lâu dài tại đơn vị. Bên cạnh đó, Trung tâm lựa chọn cán bộ có hộ khẩu thường trú tại địa bàn để cử đi đào tạo nhằm có thể phục vụ lâu dài tại đơn vị.

Sau 2 năm đào tạo theo hướng tăng cường thực hành thực tế tại Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã trở về đơn vị công tác. “Sau khi hoàn thành khoá học tốt nghiệp, các bác sĩ trẻ đã thực hiện được một số kỹ thuật phẫu thuật, thủ thuật khó như: Phẫu thuật nội soi (ruột thừa viêm, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, cắt túi mật), đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn, đặt nội khí quản cấp cứu, hồi sức cấp cứu các bệnh nặng bằng thuốc vận mạch bằng bơm tiêm điện, máy truyền dịch… Đây là những thay đổi lớn giúp Trung tâm y tế huyện nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng cao”, ông Thiện phấn khởi nói.

Nhân viên của TT Y tế huyện Bình Gia thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm.
Nhân viên của TT Y tế huyện Bình Gia thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm.

Điển hình như bác sĩ trẻ Bàn Văn Chiến (sinh năm 1988), tham gia vào Dự án đào tạo bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 1 năm 2019, và trở về làm việc tại Trung tâm y tế huyện Bình Gia.

“Tôi là bác sĩ đầu tiên được đào tạo theo Dự án 585 trở về làm việc tại đơn vị. Với quy trình đào tạo bài bản, các bác sĩ, chuyên gia hướng dẫn tận tình, tôi đã có kinh nghiệm tham gia các ca mổ khó thuộc về cấp cứu ngoại khoa. Từ năm 2020 đến nay, tôi đã tham gia hơn 260 ca mổ chính, trên 550 ca mổ phụ bảo đảm an toàn”, bác sĩ Chiến cho biết.

Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở các địa phương có điều kiện khó khăn. Trước đây, do thiếu bác sĩ, nhiều ca mổ như: mổ ruột thừa, nội soi thường được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, vừa mất thời gian, vừa tốn kém kinh phí. Hiện nay, người dân đã được can thiệp mổ thành công ngay tại Trung tâm y tế huyện.

Anh Hoàng Văn Chuyền, thôn Tòng Chu 2, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia cho biết: "Tôi bị viêm ruột thừa cấp, sau khi phẫu thuật thành công, hiện nay sức khỏe đã ổn định. Tôi cảm ơn các bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện  Bình Gia đã phẫu thuật cho tôi".

Nếu như năm 2017, đơn vị có 1.260 bệnh nhân chuyển tuyến trên, thì đến năm 2020, tổng số bệnh nhân chuyển tuyến còn 1.043.

Từ hiệu quả của Dự án 585 giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Y tế đang phối hợp với Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn VinGroup, tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế cho các huyện khó khăn trên của cả nước. Với sự đào tạo bài bản, Dự án sẽ là bài toán giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở các tuyến y tế cơ sở vùng DTTS và miền núi như hiện nay.