Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bình Phước: Thanh niên dân tộc Xtiêng duy trì và phát huy bản sắc dân tộc

PV - 09:30, 17/02/2023

Với dân tộc Xtiêng, cồng chiêng là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với đời sống của con người. Tiếng cồng chiêng rộn ràng vang lên giữa đại ngàn trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với dân tộc Xtiêng trong các dịp lễ, tết, mừng lúa mới... Đối với họ, cồng chiêng không chỉ là cầu nối giao tiếp giữa con người với tổ tiên, thần linh mà còn là tiếng lòng diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động. Xuất phát từ đam mê và niềm tự hào, ngày nay, các bạn trẻ dân tộc Xtiêng đang cố gắng học tập để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Màn biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của bà con dân tộc Xtiêng ở Thiên Cư, xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước). (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Màn biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của bà con dân tộc Xtiêng ở Thiên Cư, xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước). (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó thế hệ trẻ đóng vai trò không nhỏ. Nhận thức rõ điều này, thanh niên dân tộc Xtiêng ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã và đang thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa của dân tộc mình, góp phần phát triển văn hóa - xã hội chung của đất nước.

Với các bạn trẻ Xtiêng ở Thanh An, cồng chiêng là món ăn tinh thần độc đáo giúp mọi người xích lại gần nhau, cùng chia sẻ và giúp đỡ trong cuộc sống. Để nét văn hóa đặc trưng không bị mai một theo thời gian, thế hệ trẻ dân tộc Xtiêng được cha ông đi trước truyền dạy về ý nghĩa, hướng dẫn cách thức sử dụng, di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng.

Sau một ngày lao động hăng say, vất vả, vào các buổi chiều, tối, thanh niên xã Thanh An, nhất là thanh niên Xtiêng ở ấp Bù Dinh tập trung cùng nhau học đánh cồng chiêng. Trong lúc các nam thanh niên học đánh cồng chiêng, thì thiếu nữ học múa. Những điệu múa hòa theo nhịp điệu cồng chiêng tạo nên không khí rộn ràng, tươi vui.

Bí thư Đoàn xã Thanh An Thị Bé Lan chia sẻ: Tôi rất thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Phụ trách công tác đoàn của xã, là dân tộc Xtiêng, nên tôi rất muốn lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Mới đầu, nhìn sơ qua thì dễ nhưng khi học thì rất khó. Những động tác và nhịp của bài múa phải hợp với nhịp cồng chiêng. Nếu không bắt được nhịp sẽ không múa được. Mình học múa để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó kêu gọi đoàn viên thanh niên và các bạn trẻ cùng tham gia giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Đây còn là cơ hội để tuổi trẻ Thanh An được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài tỉnh; đồng thời mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên tham gia tổ chức đoàn - hội ở địa phương.

Giữ lửa cồng chiêng dân tộc Xtiêng trên mảnh đất Phú Riềng
Giữ lửa cồng chiêng dân tộc Xtiêng trên mảnh đất Phú Riềng

Truyền “lửa” để lưu giữ cho đời sau

Hoàn tất việc rẫy, thời gian nông nhàn, gia đình bà Thị Mương (SN 1965) ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An lại quây quần bên nhau để ông bà truyền dạy cho con, cháu hiểu và biết bản sắc văn hóa của người Xtiêng. Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Xtiêng từ nhỏ nên bà Thị Mương mong con, cháu mình cũng biết về nghề truyền thống của dân tộc. Ngoài con gái, bà còn chỉ dạy cho con dâu biết thao tác, quy trình dệt thổ cẩm. Sự chỉ bảo tỷ mỉ của bà khiến các con cũng muốn biết về nghề truyền thống của ông cha để tiếp tục duy trì và truyền lại cho thế hệ sau.

Trong gia đình bà thì con gái, con dâu theo mẹ học dệt, học điệu múa của dân tộc Xtiêng; còn con trai được cha dạy cách đánh cồng chiêng. Cũng từ đây, những điệu múa hòa cùng âm thanh trầm bổng của cồng chiêng được các bạn trẻ say sưa thể hiện trong các dịp lễ mừng lúa mới, phá bàu, đám cưới, đám hỏi…

Bà Thị Mương cho biết: “Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bản thân luôn cố gắng truyền đạt cho con, cháu, đặc biệt là thế hệ trẻ trong ấp, xã truyền thống văn hóa dân tộc Xtiêng”.

“Ở nhà tôi đã được ba mẹ truyền dạy về truyền thống của dân tộc và khi lấy chồng cũng được ba mẹ chồng tiếp tục truyền dạy. Tôi đã biết những điệu múa của dân tộc Xtiêng, biết dệt thổ cẩm khung nhỏ. Mới đầu học thấy khó nhưng khi biết, tôi thấy cũng dễ. Tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho các con để lưu giữ truyền thống dân tộc”, chị Thị Kim Vàng, con dâu bà Thị Mương chia sẻ.

Bù Dinh có 250 hộ dân, là ấp vùng sâu, xa với phần đông đồng bào DTTS, trong đó hơn 70% là dân tộc Xtiêng. Ông Lê Tiến Chúc, Bí thư Chi bộ ấp Bù Dinh cho hay: Được Văn phòng Chính phủ tặng bộ cồng chiêng nên chi bộ ra nghị quyết chuyên đề giao các đảng viên vận động thanh, thiếu niên và người dân tập đánh cồng chiêng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, hình thành đội, nhóm biểu diễn trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hay phục vụ du khách đến tham quan. Đối với đồng bào Xtiêng, cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.