Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bình Phước: Trao cần câu giúp đồng bào vùng DTTS thoát nghèo bền vững

Khánh Sơn - 11:13, 26/11/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), các huyện miền núi tỉnh Bình Phước đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, vươn lên thoát nghèo.

Người dân đồng bào DTTS ở huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Một số hộ gia đình đồng bào DTTS ở huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Lộc Hòa là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), với 47% dân số là đồng bào DTTS, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Gia đình anh Võ Văn Tứ ở ấp 8C là một trong những hộ nghèo nhất xã Lôc Hòa, không nghề nghiệp, không đất sản xuất. Để hỗ trợ gia đình anh Tứ có điều kiện vươn lên, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, phù hợp. Cụ thể, cuối năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ cặp bò giống, nhờ đó đã tạo việc làm, niềm tin để anh quyết tâm thoát nghèo.

Anh Tứ phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà gia đình tôi được hỗ trợ một cặp bò để làm cơ sở phát triển kinh tế. Không những vậy, thông qua các lớp tập huấn do chính quyền địa phương tổ chức, cũng như tìm hiểu qua báo đài, tôi ngày càng tích luỹ thêm được nhiều kiến thức bổ ích về chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, cặp bò đã cho sinh sản được 1 con non khoẻ mạnh. Nhìn đàn bò lớn lên, khoẻ mạnh từng ngày tôi và người thân mừng lắm. Thời gian tới, nếu có cơ hội, gia đình tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng thêm quy mô đàn bò”.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa: “Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chỉ đạo rà soát cụ thể các trường hợp cần hỗ trợ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân như: Hỗ trợ con giống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động xây nhà ở cho hộ khó khăn…Từ đó giúp người nghèo có việc làm, đem lại thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, hiện nay toàn xã Lộc Hoà chỉ còn 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo, chiếm 0,1% tổng số hộ dân toàn xã.

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS.
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Trong ảnh: Cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện

Còn tại xã đặc biệt khó khăn Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, nhiều hộ dân cũng từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ các nguồn lực hỗ trợ tới từ chính quyền. Điển hình như gia đình bà Thuý Nga vốn có nghề làm bánh lâu năm. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, nên việc kinh doanh manh mún, nguồn thu nhập không ổn định. Cách đây 2 năm, bà vay được 90 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách huyện Bù Gia Mập. Từ đó, bà Nga đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị làm bánh, mở rộng việc quy mô sản xuất. Nhờ sự quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dàm làm, công việc kinh doanh của gia đình bà Nga ngày một thuận lợi. Hiện tại, công việc làm bánh giúp gia đình bà Nga thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày.

Một trường hợp tiêu biểu khác ở xã Phú Văn là gia đình anh Điểu Tâm. Anh Tâm chia sẻ: “Năm 2022, với số tiền 120 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách nhà ở và vốn liếng tích cóp, gia đình tôi đã sửa chữa được ngôi nhà mới khang trang để yên tâm an cư. Ngoài vốn vay làm nhà ở, tôi còn được vay thêm 40 triệu đồng để chăn nuôi heo và phát triển 0,8ha điều. Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, có nguồn thu để trả lãi ngân hàng. Con cái được học hành đầy đủ”.

Ông Tạ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết: Năm 2022, tỉnh giao huyện Bù Gia Mập giảm 501 hộ nghèo, tương đương 2,41%, trong đó 286 hộ DTTS thuộc chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh. Trong hành trình giảm hộ nghèo DTTS, huyện đã khảo sát, cân nhắc hỗ trợ 1.165 hộ có nhu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi. Kết quả cuối năm, toàn huyện đã giảm được 508 hộ nghèo, trong đó 370 hộ DTTS. Hiện toàn huyện còn 834 hộ nghèo với 571 hộ DTTS. Mục tiêu năm 2023, toàn huyện giảm 517 hộ nghèo, trong đó 316 hộ DTTS.

Có thể nói, công tác giảm nghèo những năm qua đang được triển khai một cách toàn diện trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Để đẩy nhanh tốc độ giảm số hộ nghèo, tỉnh uỷ Bình Phước đã xây dựng Nghị quyết và ban hành kế hoạch với mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Năm 2023, tỉnh Bình Phước đang tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong đó lồng ghép tích hợp Dự án 1 cùng các chương trình đặc thù của tỉnh với mục tiêu sẽ sớm giảm được 1.000 hộ nghèo DTTS số theo kế hoạch đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.