Theo Đề án, “Mô hình làng thanh niên DTTS tỉnh Bình Phước” được các sở, ngành, đơn vị, thống nhất phương án bố trí 100 hộ dân, với khoảng 350 nhân khẩu sinh sống tập trung tương đương với 1 ấp. Mục tiêu của dự án lựa chọn thanh niên DTTS, tuổi đời từ 20 - 30 tuổi, được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn, từ khu dân cư liên kết với đường tuần tra biên giới. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Khu dân cư tập trung có nhà văn hóa, trạm y tế, cũng như bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc…
Quỹ đất dự kiến xây dựng làng thanh niên DTTS thuộc Công ty Cổ phần Cao su sông Bé tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Kinh phí đầu tư dự án dự kiến trên 100 tỷ đồng, với các hạng mục như: Đường giao thông, trường học, nhà văn hóa - thể thao, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, nhà ở và hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho rằng: Đây là chủ trương lớn, đúng đắn và hết sức ý nghĩa. Tuy nhiên, đề án lại mới mẻ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần phải rà soát lại cơ sở pháp lý liên quan đến đất đai, nguồn vốn sao cho bảo đảm đúng luật, có tính khả thi cao, bảo đảm tính bền vững cho các đối tượng được ưu tiên…
Các sở, ngành, địa phương cho rằng: Đối với nguồn đất hỗ trợ, cần phải có sự ràng buộc chặt chẽ để hạn chế tình trạng sang nhượng, cầm cố đất. Riêng phương án hỗ trợ sản xuất, nên xây dựng phương án sản xuất theo hướng hợp tác xã để bảo đảm phát triển kinh tế lâu dài, bền vững. Các đối tượng tham gia nên mở rộng phạm vi toàn tỉnh…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền thống nhất triển khai đề án mang chính sách nhân văn. Bởi sau khi hoàn thành sẽ trở thành làng kiểu mẫu nơi biên cương. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị các đơn vị liên quan phải nghiên cứu, khảo sát kỹ để vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa phát huy hiệu quả mô hình.