Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cuộc sống mới ở Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp

PV - 10:10, 04/05/2019

Sau hơn 10 năm thực hiện Dự án Làng thanh niên lập nghiệp , nhiều dự án đã công bố thất bại. Vậy nhưng, vượt qua khó khăn, cần cù lao động, nhiều hộ dân ở làng Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk đã có cuộc sống khá giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Diện, cư dân của làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp chăm sóc đàn bò của gia đình. Anh Nguyễn Văn Diện, cư dân của làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp chăm sóc đàn bò của gia đình.

Cách xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk 20km làng Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp nằm lọt giữa rừng, không khí dịu mát hơn. Những ngôi nhà mới xây khang trang, tiếng trẻ con đánh vần rôm rả, chứng minh cuộc sống nơi đây đang từng ngày đổi thay, phát triển.

Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp hồ hởi: “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thôn Thanh niên lập nghiệp bây giờ đã khá hơn nhiều rồi, rất nhiều hộ dân thành công với các mô hình chăn nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp và có thu nhập ổn định, trẻ con được chăm sóc, học hành đầy đủ. Thôn Thanh niên lập nghiệp hiện có khoảng 15 hộ sở hữu đàn bò từ 10-30 con và nhiều gia đình nuôi từ 5-10 con bò để lấy phân và tăng gia, phát triển kinh tế...

Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp là một trong những dự án của Trung ương Đoàn nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên gắn với xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Được triển khai năm 2006, gồm các hạng mục đường giao thông, điện, trường mẫu giáo, tiểu học, 70 giếng khoan, 120 bể chứa nước sạch… và mỗi hộ 20 triệu đồng để làm nhà ở, với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng.

Năm 2010, Trung ương Đoàn bàn giao Tỉnh đoàn Đăk Lăk quản lý. Trong thời gian ngắn, làng Thanh niên đã thu hút 120 cặp vợ chồng trẻ từ các huyện trong tỉnh, chủ yếu đồng bào DTTS tình nguyện đến đây khởi nghiệp, tạo lập cuộc sống mới. Mỗi gia đình được cấp 1 sào đất ở, 1,5ha đất sản xuất, được hỗ trợ vay vốn, giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Từ huyện Ea Kar không có nghề nghiệp ổn định, ruộng nương cũng không, đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2010 vợ chồng anh Nguyễn Văn Quý viết đơn xung phong đến làng Thanh niên lập nghiệp xây dựng kinh tế, bắt đầu cuộc sống mới. Anh Quý chia sẻ: Lúc đó vợ chồng còn trẻ, tài sản chẳng có gì, tôi chỉ ước sao có đất sản xuất hay có cái nghề trong tay để làm đủ ăn, đủ mặc là mừng lắm rồi. Nhờ chính quyền địa phương, anh em trong làng giúp đỡ nên cuộc sống nhanh chóng ổn định. Nay anh Quý đã có 3ha mía, máy cày để cày thuê và cửa hàng tạp hóa cho vợ bán, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Lý Văn Sài, Trưởng thôn Thanh niên lập nghiệp cho biết: Từ 120 hộ ban đầu, hiện nay thôn có 135 hộ, 519 nhân khẩu. Ở đây đất xấu, khí hậu khắc nghiệt nhưng đất rộng, có nhiều sườn đồi thấp, tận dụng lợi thế này các gia đình đã phát triển chăn nuôi bò để lấy phân bón cho cây trồng và phát triển kinh tế. Trong thôn hiện có tổng đàn gia súc (trâu, bò) khoảng trên 300 con. Hàng chục hộ khác đã tham gia liên kết trồng mía với Công ty mía đường Đăk Lăk, được công ty bao tiêu sản phẩm và cho thu nhập ổn định hằng năm. Một số hộ còn đầu tư thêm nông cụ, máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy kéo, xe công nông, máy xay xát lúa…

Đến nay, cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại vào từng nhà nên người dân luôn bắt kịp nhịp sống hiện đại. Trong thôn có nhiều gia đình làm ăn kinh tế khá, nhiều nhà cũng trồng mía như anh, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng là không hiếm. Điển hình như, gia đình anh Nguyễn Văn Diện mỗi năm thu nhập hơn 700 triệu đồng từ 6ha mía và đàn bò 50 con.

Theo anh Y Nhuân Byă, Bí thư Tỉnh đoàn Đăk Lăk, khi bà con ổn định chỗ ở, Tỉnh đoàn đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Ea Súp, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, định hướng bà con trồng những loại cây trồng phù hợp như cây mía, điều và chăn nuôi bò, dê…; cái khó lớn nhất hiện nay vẫn là đường giao thông chưa được thuận tiện, thủy lợi còn hạn chế…

“Mặc dù dự án làng Thanh niên lập nghiệp đã bàn giao cho địa phương nhưng Tỉnh đoàn Đăk Lăk sẽ tiếp tục sát cánh tạo mọi điều kiện, hỗ trợ bà con tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống”, Bí thư Tỉnh đoàn Y Nhuân Byă cho hay.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.