Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bình Sơn (Quảng Ngãi): Phát hiện cá voi còn sống lụy bờ

T.Nhân - Đ.Minh - 4 giờ trước

Sáng 12/5, ông Nguyễn Quang Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết, người dân địa phương vừa phát hiện 1 con cá voi còn sống, trôi dạt vào bờ biển thuộc xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải.

Cá voi lụy bờ tại xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn
Cá voi lụy bờ tại xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn

Người dân địa phương cho biết, khi phát hiện thì cá vẫn còn sống, nhưng lực quẫy nước rất yếu. Họ đã hợp lực và dùng các biện pháp để cố gắng đưa cá voi ra biển, nhưng cá vẫn bị sóng đánh trôi dạt vào bờ và yếu dần. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân vùng biển, thì tình trạng cá bị lụy như trên sẽ không sống được để trở lại môi trường tự nhiên. Do đó người dân địa phương đã thống nhất để cá voi nằm lại bờ, đến 09 giờ 30 phút cùng ngày thì cá đã chết. Ước lượng, cá voi có chiều dài khoảng 3m, nặng khoảng 400kg.

Hiện tại, người dân địa phương đã đưa cá voi về Lăng vạn Thanh Thủy (thuộc xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) để tiến hành nghi thức mai táng theo phong tục, tập quán của ngư dân miền biển.

Người dân xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn tiến hành các nghi thức chôn cất “Ông lụy” theo phong tục miền biển
Người dân xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn tiến hành các nghi thức chôn cất “Ông lụy” theo phong tục miền biển

Mới đây, sáng 8/5, một số người dân thôn An Hải, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn cũng đã phát hiện 1 con cá voi trôi dạt vào bờ biển, khi đó cá voi vẫn còn sống. Người dân địa phương đã cố gắng đưa cá voi ra biển nhưng cá voi vẫn bị trôi dạt vào bờ rồi chết sau đó. Theo quan sát, cá voi có màu đen, dài khoảng 2m, nặng khoảng 7 tạ.

Cá voi được người dân miền biển xem là vị thần chở che khi có bão hoặc gió to làm sóng lớn, biển động. Cá voi lụy bờ được ngư dân gọi là “Ông lụy”. Nếu đã dùng các biện pháp để trả cá lại biển nhưng không được thì ngư dân sẽ đợi cho cá chết để tiến hành chôn cất, thờ phụng, thể hiện lòng tri ân, kính ngưỡng loài cá đã chở che khi ngư dân gặp hoạn nạn trên biển cả.