Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Bình Định trải nghiệm lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý

T.Nhân-H.Trường - 18:23, 20/02/2024

Ngày 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), ngư dân xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức Lễ hội Cầu ngư theo tín ngưỡng văn hoá thờ cá voi (cá Ông, thần Nam Hải). Lễ hội Cầu ngư được cộng đồng ngư dân xã Nhơn Lý tổ chức nhằm kính ngưỡng công đức thần Nam Hải, tri ân các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ngư dân ra biển khai thác thủy sản được mùa bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Lăng Ông Nam Hải đã hình thành và tồn tại hơn 183 năm tại làng chài Xương Lý, xã Nhơn Lý
Lăng Ông Nam Hải đã hình thành và tồn tại hơn 183 năm tại làng chài Xương Lý, xã Nhơn Lý

Lăng Ông Nam Hải - Vạn đầm Xương Lý tại núi Đơn, nay thuộc thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý đã trải qua hàng trăm năm tồn tại. Đây là nơi bảo tồn và lưu giữ di cốt cũng như thờ cúng cá Ông với niềm kính trọng, yêu thương trong tiềm thức của ngư dân Vạn đầm ven biển xã Nhơn Lý.

Ngày nay, Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không chỉ thể hiện nét văn hóa đặc trưng của ngư dân, mà còn thu hút nhiều người dân ở khắp mọi miền về vui chơi và tìm hiểu phong tục độc đáo cha ông. Những câu chuyện dân gian ghi lại từ xưa đến nay, là chiếc cầu nối giữa nhiều nét văn hóa vùng biển từ các thế hệ ngư dân vạn chài cổ Xương Lý trong quá trình xây dựng và phát triển.

Lễ Cầu ngư ở Nhơn Lý thường diễn ra sau Tết Nguyên đán, nhằm cầu mong một mùa đánh bắt mới nhiều thuận lợi
Lễ Cầu ngư ở Nhơn Lý thường diễn ra sau Tết Nguyên đán, nhằm cầu mong một mùa đánh bắt mới nhiều thuận lợi

Từ sáng sớm, hàng chục người dân trong trang phục chỉnh tề đến Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Xương Lý (thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý) để chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư. Cũng như các địa phương vùng duyên hải miền Trung, ngư dân ở Nhơn Lý thường tổ chức lễ hội cầu ngư vào dịp sau Tết Nguyên đán, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn thần Nam Hải (cá voi) đã phù trợ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời cầu quốc thái dân an, mong được mùa trong vụ biển mới.

Lễ cầu ngư diễn ra theo các nghi thức cổ truyền như: Lễ cung nghinh thủy lục (rước thần Nam Hải từ biển về lăng), lễ tỉnh sinh, lễ khởi ca… phần quan trọng nhất của lễ hội cầu ngư là nghi thức cúng tế tại lăng thờ thần Nam Hải. Cùng với nghi thức cúng tế tại Lăng Ông, là các phần hội diễn ra với các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao như: Bơi lội thúng, lắc thúng, kéo co trên bãi biển, hội chọi gà dân gian; biểu diễn ca kịch bài chòi, hát bội…

Một phần nghi thức cúng trong Lễ hội Cầu ngư tại Lăng Ông ở Nhơn Lý
Một phần nghi thức cúng trong Lễ hội Cầu ngư tại Lăng Ông ở Nhơn Lý

Theo các ngư dân ở xã Nhơn Lý, những ngư dân đi biển rất tôn thờ cá Ông, bởi hàng loạt câu chuyện được kể lại về cá Ông cứu người khi gặp bất trắc ngoài biển. “Khi tàu thuyền gặp mưa bão ở ngoài khơi, hoặc ngư dân rơi xuống biển thường hay có cá Ông cứu nạn. Cá Ông áp tựa lưng vào mạn thuyền làm cho thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ, là điểm tựa cho người khi rơi xuống biển và đưa vào bờ cho đến khi sóng êm, gió nhẹ thì cá Ông lại quay trở lại đại dương. Từ sự cứu nạn cưu mang lớn lao của cá Ông đối với mình, ngư dân tôn thờ và phong vị Thần Ngư Nam Hải”, lão ngư Dương Văn Thơm chia sẻ câu chuyện ra đời Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc cho hay: Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không chỉ đem lại giá trị văn hóa, mà còn gắn với một trong những địa danh điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Định, đặc biệt là Kỳ Co. Những câu chuyện dân gian ghi lại từ xưa đến nay, là chiếc cầu nối giữa nhiều nét văn hóa biển đảo từ các thế hệ ngư dân vạn chài cổ Xương Lý trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với ngư dân ở Nhơn Lý, hình ảnh cá Ông gắn liền với sự cứu giúp khi không may gặp nạn trên biển
Đối với ngư dân ở Nhơn Lý, cá Ông gắn liền với sự cứu giúp khi không may gặp nạn trên biển

Cũng theo ông Ngọc, tương truyền kể lại, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại phải chạy ra đảo Côn Lôn, sóng to gió lớn sắp lật thuyền. Giữa lúc cái chết đang cận kề, Nguyễn Ánh van vái trời đất, liền xuất hiện một con cá voi cặp vào mạn thuyền đưa vào bờ, nhờ vậy mà ông thoát chết. Về sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ ơn cứu mạng đã phong cá Voi là Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần, các vua đời sau đều ban mỹ tự cho thần và lệnh cho dân miền duyên hải lập đền lăng thờ phụng.

Ông Ngọc cũng chia sẻ thêm một câu chuyện khác về việc cá Ông cứu người được truyền lại: Vào tháng Chạp năm 1920, thuyền lưới dầm của các ông Võ Thiếp, Võ Liền, Nguyễn Bỉ gặp gió bão không vào bến được. Từ Hòn Cân thuyền xuôi theo gió theo nước, ba người không còn biết gì nữa phó mặc cho định mệnh. Thuyền trôi đến Phú Yên, ông Võ Thiếp bị rơi xuống nước. Trên thuyền chỉ còn lại hai ông Võ Liền, Nguyễn Bỉ đã được Ông Nam Hải đưa vào Hòn Lớn (Nha Trang, Khánh Hòa), một tháng sau trở về nhà.

Một góc làng biển Nhơn Lý
Một góc làng biển Nhơn Lý

Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao Bình Định, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, là loại hình di sản văn hóa phi vật thể được hình thành và lưu truyền từ lâu đời, đến nay đã lan tỏa và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, gắn với nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của người dân miền biển. "Ngành Văn hoá tỉnh đang triển khai lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch ghi danh Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”, ông Lợi cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.