Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Có ai về làng cổ Cảnh Dương...

Nguyễn Thanh - 16:05, 31/08/2021

… “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/Truyền thống đánh giặc giữ làng, mãi mãi còn đây...”. Câu ca ấy của cố nhạc sĩ Hoàng Vân trong nhạc phẩm nổi tiếng “Quảng Bình quê ta ơi” cứ thôi thúc tôi tìm về làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở đó không chỉ có con đường bích họa mô phỏng gần 400 năm lịch sử dựng làng, những bức tường san hô cổ kính, một làng chài bình dị… mà còn là câu chuyện liêu trai về tục thờ cúng cá voi.


Làng chài Cảnh Dương nhìn từ biển - ảnh chụp khi chưa có dịch Covid19
Làng chài Cảnh Dương nhìn từ biển - ảnh chụp khi chưa có dịch Covid19

“Bát danh hương” nơi đầu sóng

Nằm kề dòng sông Roòn thơ mộng, làng Cảnh Dương tựa như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Người đời truyền tai rằng, đây là một trong “Bát danh hương” - tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời, ở Quảng Bình. 

Theo sử sách, Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1634), tính đến nay đã 387 năm. Những bậc cao niên trong làng kể: Người dân của làng có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa, di cư vào đây và bao đời nay gắn liền với nghề đi biển.

Cảnh Dương được xem là vùng đất còn lưu giữ được nhiều di tích, như là chứng tích hàng mấy trăm năm khai ấp lập làng. Nổi bật là đình thờ tổ, nơi thờ các bậc thành hoàng đã có công khai khẩn vùng đất này. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng đình làng vẫn còn giữ được một số hiện vật quý giá như chuông cổ “Cảnh viện hồng chung”, đúc vào đời vua Cảnh Thịnh năm 1801. 

Bên cạnh đó, còn có tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng; chứng tỏ Cảnh Dương xưa là một ngôi làng có truyền thống hiếu học, khoa cử. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là “làng chiến đấu kiểu mẫu”; trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Một góc làng Cảnh Dương trên con đường bích họa
Một góc làng Cảnh Dương trên con đường bích họa

Có lẽ, địa thế “đứng nơi đầu sóng gió” đã hun đúc, trui rèn nên những con người can trường, khí khái. Ông Nguyễn Văn Biểu, thủ từ đình thờ tổ ở Cảnh Dương tự hào: 24 năm sau khi thành lập làng, tức là năm 1667, ngôi đình tổ được xây dựng. Từ đó cho đến nay, đình tổ luôn là một dấu ấn tâm linh trong lòng những người con Cảnh Dương.

Bao đời nay, Cảnh Dương là vùng đất thuần ngư. Mờ sáng, những thuyền cá trở về sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, với đủ loại hải sản tươi rói trong khoang. Trên bến dưới thuyền, chợ cá Cảnh Dương cũng vì thế mà luôn tấp nập, đông vui. Trong vị mặn mòi của biển cả, một ngày ở làng Cảnh Dương thường bắt đầu với những điều bình dị như thế.

Nghề làm nước mắm nơi đây cũng là nghề truyền nối, đã từng có nước mắm Hàm Hương để tiến vua. Loại cá để làm nước mắm Hàm Hương có màu hồng trong suốt, hằng năm chỉ xuất hiện trên vùng biển cửa song Roòn vài tháng. Đánh bắt được cá Hàm Hương đã khó, việc chế biến thành nước mắm lại càng công phu. Chỉ những người có tay nghề thành thạo mới chế biến được thứ mắm nức tiếng để mang đi cống ngự. Những trầm tích văn hóa ở Cảnh Dương, xét về một phương diện nào đó cũng là trầm tích của nghề làm nước mắm ở mảnh đất này.

Cuộc sống nơi làng biển bao năm qua đã yên bình, giản dị như vậy. Người lên tàu ra khơi, kẻ ở nhà đan lưới, làm mắm, đóng thuyền. Những người con của Cảnh Dương qua bao sóng gió vẫn giữ làng, giữ biển, giữ cho mình lối sống mộc mạc, chân phương mà không kém phần đằm thắm, lắng sâu.

Lịch sử hình thành làng Cảnh Dương được tái hiện qua mỗi bức vẽ
Lịch sử hình thành làng Cảnh Dương được tái hiện qua mỗi bức vẽ

Làng văn hóa du lịch

Lợi thế địa lý cùng lịch sử hình thành, là điều kiện để Quảng Bình xây dựng Cảnh Dương thành làng văn hóa, du lịch kiểu mẫu. Đầu năm 2018, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp UBND huyện Quảng Trạch thực hiện Dự án vì biển đảo quê hương, bằng con đường “Bích họa tương lai”. Đấy là những câu chuyện được viết nên bằng những sắc màu; mỗi bức tranh là một lát cắt lịch sử. 

Qua từng nét vẽ, đất và người Cảnh Dương trong lao động và chiến đấu đã hiện lên vừa gần gũi, bình dị; vừa kì vĩ, hiên ngang. Đi hết chiều dài của những bức tranh, ta như được sống lại cùng lịch sử và truyền thống của con người làng biển.

Men theo con đường bích họa là những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá vỉa tím hay đá san hô, phủ màu rêu xanh cổ kính. Xưa kia, hầu hết các nhà trong làng đều có tường bao làm bằng đá san hô như vậy. Những ngôi nhà hơn trăm năm tuổi, vẫn vững chãi, bền bỉ trước sóng gió của biển cả lẫn những thăng trầm của thời cuộc. 

Làng bích họa là một bức tranh tổng thể lớn nhưng thống nhất, dẫn dắt khách du lịch trải nghiệm nhiều sắc màu văn hóa từ điểm xuất phát, các điểm dừng chân đến điểm cuối là điểm nghỉ chân thưởng thức sản phẩm địa phương và ngắm biển tại nghĩa trang cá voi.

Nói về tín ngưỡng thờ thần biển, đó là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm thức người dân Cảnh Dương. Nhiều người vẫn gọi Cảnh Dương là “làng cá voi”, bởi tục thờ cá voi độc đáo nhưng cũng đượm màu liêu trai. Vùng đất này có hẳn một nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển, hướng ra khơi với khoảng 30 mộ cá, được người dân cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo. 

Dân làng cũng đã xây dựng một “Ngư Linh Miếu” bảo quản, gìn giữ hai bộ xương cá ông, cá bà đã “lụy” (mắc cạn và chết - PV) vào làng hàng trăm năm trước. Hai bộ xương cá này được cho là lớn nhất đang còn lưu giữ ở Việt Nam, với chiều dài lên tới 28m. 

Người dân Cảnh Dương cho rằng: “Ngư Linh Miếu”, là một điểm tựa tinh thần vững chãi cho những ngư dân ở mảnh đất này. Những ước mơ bình dị về một cuộc sống ấm no, về những chuyến ra khơi đầy ắp cá tôm giữa trời yên biển lặng, được gửi gắm trong những lời khẩn cầu thành kính của người dân đến cá ông, cá bà.

Miếu Linh Ngư thờ cá Bà ở làng Cảnh Dương
Miếu Linh Ngư thờ cá Bà ở làng Cảnh Dương

Về tiềm năng du lịch của khu vực phía Nam đèo Ngang, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong tương lai sẽ hình thành làng văn hóa, du lịch biển đặc trưng của Quảng Bình, là làng Cảnh Dương. Cùng với danh thắng Đèo Ngang, khu du lịch Vũng Chùa, Sở đang phối hợp các đơn vị thực hiện và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, để mang đến cho du khách sự trải nghiệm khác biệt tại Cảnh Dương như, không gian trưng bày hai bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam dưới hình dạng nguyên thủy, công viên thuyền thúng, nhà hàng cá Voi…

Những năm qua, người dân Cảnh Dương cũng đã biết đầu tư, mở các homestay để đón khách du lịch đến nghỉ và trải nghiệm một số hoạt động nghề biển, thưởng thức đặc sản biển, ngắm cảnh quan trù phú của làng biển nổi tiếng này. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.