Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Bình Thuận: Những chức sắc tôn giáo phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng

Kim Anh - 07:18, 28/10/2024

Trong cộng đồng người Chăm của tỉnh Bình Thuận, những vị chức sắc tôn giáo, Người có uy tín luôn được bà con tôn kính như “cây cao bóng cả” che mát cho cả thôn làng. Phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, thực hiện hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua ở cơ sở..., các vị chức sắc, Người có uy tín luôn nêu gương bằng những việc làm cụ thể, được đồng bào Chăm lắng nghe tiếp thu, học tập, làm theo...

Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận tặng quà cho Sư cả Thường Hữu Xuân, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận nhân dịp Lễ hội Katê

Sư cả Thường Hữu Xuân tích cực bảo tồn phát huy di sản văn hóa Chăm

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức triển khai nhiều hoạt động thuộc Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Trong những đợt tập huấn truyền dạy chữ viết Chăm, dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc hay nghệ thuật hát ngâm Ariya…, đều có sự tham gia đứng lớp của Sư cả Thường Hữu Xuân, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận, đồng thời là Người có uy tín ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

Là người có vị trí cao nhất trong Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo của tỉnh Ninh Thuận, Sư cả Thường Hữu Xuân thường xuyên trau dồi kinh kệ, thực hành xướng kinh khi đồng bào Chăm tổ chức các nghi lễ, lễ hội trên đền tháp. Đồng thời, ông cũng tích cực hướng dẫn các chức sắc thực hành nghi lễ, sưu tầm các bài kinh cúng lễ, những lời răn dạy, những điều cấm kỵ dành cho chức sắc tôn giáo. Sư cả Thường Hữu Xuân còn tâm huyết truyền dạy chữ viết Akhar Thrah (chữ Chăm) trong tầng lớp chức sắc và cộng đồng người Chăm Bàlamôn để gìn giữ di sản của cha ông để lại.

Sư cả Thường Hữu Xuân cho biết, tại tỉnh Bình Thuận, từ năm học 2015 - 2016, chữ viết của người Chăm đã được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy tại 22 trường tiểu học thuộc các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân, với thời lượng 4 tiết/tuần. Do đó, những năm qua, tại các thôn của đồng bào Chăm Bàlamôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung, tại xã Phú Lạc nói riêng, công tác truyền dạy, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Chăm luôn được chú trọng. 

Để góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương này, sư cả Thường Hữu Xuân đã rất tích cực vận động bà con cùng các cháu học sinh giữ gìn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết và các phong tục tập quán của dân tộc mình. Qua đó, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phong phú của người Chăm.

Sư cả Thường Hữu Xuân truyền dạy nghệ thuật hát ngâm Arya của người Chăm tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.
Sư cả Thường Hữu Xuân đứng lớp truyền dạy nghệ thuật hát ngâm Ariya của người Chăm tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Ảnh: Lâm Tấn Bình

Trong căn nhà nhỏ của Sư cả Thường Hữu Xuân, gia tài quý nhất đối với ông, là những chiếc kệ chất đầy sách. Sư cả Thường Hữu Xuân cho biết, từ nhỏ ông may mắn được thừa hưởng vốn chữ viết Chăm quý giá từ những người thầy của mình truyền lại. Khi đó, ông rất đam mê đọc sách, dần dần vốn văn hóa quý giá đó thấm sâu vào nếp nghĩ, lối sống của ông. 

Nhiều năm qua, ông đã đầu tư thời gian, công sức sưu tầm, ghi chép lại những phong tục, lễ nghi trong cưới hỏi, nghi lễ tôn giáo, nghi lễ trong lễ hội Katê hay những bộ kinh thư rất có giá trị viết trên giấy dó, lá buông... của người Chăm.

Sư cả cho biết, hiện ông vẫn giữ gìn được nhiều bộ kinh thư, nhiều cuốn sách Chăm rất có giá trị do ông bỏ công sưu tầm, nghiên cứu từ các thế hệ trước để lại. Các cuốn sách cổ này từ vài trang đến vài trăm trang giấy, với các chủ đề chính là kinh luật tôn giáo, văn học, cách tổ chức nghi lễ, những bài hát dân ca, lịch pháp… là di sản đặc sắc của văn hóa Chăm.

"Với vai trò, trách nhiệm là người đi trước, tôi mong muốn các vị chức sắc thế hệ sau tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa của người Chăm để lưu truyền lại cho hậu thế", Sư cả Thường Xuân Hữu chia sẻ.

Qua tìm hiểu được biết, với vai trò là Sư cả, là Người có uy tín trong làng, trong xã và trong chức sắc tôn giáo Bàlamôn ở địa phương, Sư cả Thường Xuân Hữu luôn gần gũi, trao đổi với các chức sắc, các già làng, trưởng tộc họ và những Người có uy tín về việc giữ gìn đoàn kết các dân tộc, tôn giáo; nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững; động viên con em đến trường và không được bỏ học; thực hiện dân số, kế hoạch hóa gia đình; ý thức tự bảo vệ môi trường để đường làng, ngõ, xóm luôn sạch đẹp...

Các nghệ và chức sắc đang luận bàn giải pháp giữ gìn vb Ariya tại tháp Po Patao At tại xã Phan hoà
Các nghệ nhân và chức sắc người Chăm đang luận bàn giải pháp giữ gìn văn bản hát ngâm Ariya tại tháp Po Patao At thuộc xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình. Ảnh Lâm Tấn Bình

Nhờ có vai trò tuyên truyền, vận động của Sư cả Thường Hữu Xuân và sự hưởng ứng tích cực của bà con dân tộc Chăm, đến nay đồng bào Chăm ở xã Phú Lạc đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đời sống không ngừng được cải thiện. 

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, 100% số hộ đồng bào dân tộc Chăm có điện sinh hoạt, có 3 trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm được khôi phục và phát huy; phong trào văn hoá, văn nghệ - thể dục thể thao được đẩy mạnh. Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, đến nay có trên 90% số hộ đồng bào đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 3/3 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa…

Sư cả Đoàn Minh Duyên tận tụy, trách nhiệm việc làng...

Là Người có uy tín trong cộng đồng người Chăm ở thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Sư cả Đoàn Minh Duyên (sinh năm 1946), những năm qua, Sư cả luôn tận tụy, trách nhiệm với việc làng, việc xóm. Ông không chỉ có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà ông còn tích cực tham gia giữ gìn, truyền dạy, phát huy ngôn ngữ, chữ viết và các tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc Chăm.

Phát huy vai trò uy tín của mình, Sư cả Đoàn Minh Duyên luôn gần gũi, trao đổi với bà con lối xóm, các chức sắc tôn giáo ở huyện Tuy Phong về việc giữ gìn tình đoàn kết các dân tộc, tôn giáo; nêu cao ý thức tích cực lao động sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững; động viên con em đến trường, không được bỏ học; thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình; phòng chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường… 

Sư cả, Người có uy tín Đoàn Minh Duyên
Sư cả, Người có uy tín Đoàn Minh Duyên

Người có uy tín Đoàn Minh Duyên chia sẻ: “Với vai trò là Sư cả chức sắc Bàlamôn, tôi đã kịp thời nắm bắt tình hình, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật. Ngoài ra, cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tôi còn tham gia tuyên truyền, giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện trong thôn xóm, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây mất trật tự an ninh ở cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, an ninh trật tự được giữ vững, góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”.

Những năm qua, cùng với các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thôn 2, xã Phong Phú được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Bình Thuận bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc.

Đặc biệt là từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhờ có sự động viên, khích lệ của Sư cả, Người có uy tín Đoàn Minh Duyên, bà con dân tộc Chăm đã tích cực hưởng ứng và chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. 

Nhờ đó, đời sống của đồng bào Chăm không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá, giàu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. 100% số hộ đồng bào trên địa bàn xã được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 95% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh…; Thôn 2 đã có nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng; trình độ dân trí của đồng bào ngày càng được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được đẩy mạnh...

 Duyên là 1 trong 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận, tuyên truyền ĐBDTTS được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ảnh: Đ. Hòa
Sư cả, Người có uy tín Đoàn Minh Duyên là 1 trong 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận, tuyên truyền đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ảnh: Đ. Hòa

Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn 2023-2027, toàn tỉnh Bình Thuận có 87 Người có uy tín trong đồng bào DTTS được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, huyện Tuy Phong có 5 người; Bắc Bình 40 người; Hàm Thuận Bắc 13 người; Hàm Thuận Nam 7 người; Hàm Tân 4 người; Tánh Linh 15 người và huyện Đức Linh có 3 người.

Đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có vai trò quan trọng trong việc phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.


 

Tin cùng chuyên mục
Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ngày 11/12, tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng, Tổ công tác Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng do Đại tá Lê Thành Công - Trưởng phòng Kinh tế sự nghiệp Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 - 2023 và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2024 - 2025 của đơn vị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng.
Đọc nhiều