Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Thuận: Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân Chương trình MTQG 1719

Đăng Diện - 05:48, 09/12/2023

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong 2 năm 2022 -2023, tỉnh Bình Thuận được bố trí: 247.666 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương: 230.976 triệu đồng; ngân sách tỉnh đối ứng (vốn sự nghiệp): 16.690 triệu đồng. Qua đánh giá, mặc dù đã có rất nhiều nổ lực nhưng việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình vẫn còn chậm, tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các tiểu dự án của Chương trình

Đường vào khu sản xuất xã Bình An, huyện Bắc Bình
Đường vào khu sản xuất xã Bình An, huyện Bắc Bình

Quyết liệt triển khai thực hiện

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 11/2023, tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình khá thấp: Giải ngân vốn năm 2022: Ngân sách trung ương: 45.357 triệu đồng (tỷ lệ 51%), bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 24.828 triệu đồng (tỷ lệ 47%), vốn sự nghiệp: 20.529 triệu đồng (tỷ lệ 57%). Ngân sách tỉnh đối ứng (vốn sự nghiệp): 60 triệu đồng (tỷ lệ 1%). Giải ngân vốn năm 2023: Ngân sách trung ương: 28.350 triệu đồng (tỷ lệ 19%), bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 12.947 triệu đồng (tỷ lệ 19%), vốn sự nghiệp: 15.403 triệu đồng (tỷ lệ 20%). Ngân sách tỉnh đối ứng (vốn sự nghiệp): 597 triệu đồng (tỷ lệ 5,3%).

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, để triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ Công tác và quy chế hoạt động của Tổ Công tác về Chương trình MTQG 1719. Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết và UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định; đồng thời ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương được phân công phụ trách các Dự án, tiểu dự án của Chương trình tích cực, khẩn trương triển khai các thủ tục để giải ngân nguồn vốn được phân bổ. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp rà soát, chủ động tổ chức làm việc với các sở ngành, địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các Dự án, tiểu Dự án của Chương trình còn thấp. Ngoài nguyên nhân chủ quan của các sở, ngành, địa phương được giao thực hiện Chương trình còn có nhiều nguyên nhân khách quan, vướng mắc liên quan đến văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của các cơ quan Trung ương chưa rõ ràng, cần rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn. Nguồn vốn sự nghiệp trung ương phân bổ trong năm 2022 chi tiết đến từng lĩnh vực và từng dự án cụ thể, dẫn đến không thể chủ động, linh hoạt trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các dự án trọng điểm.

Dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất khó triển khai vì địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ, phải chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề. Hay như tại huyện Đức Linh, việc triển khai hỗ trợ nhà ở cũng gặp khó khăn do thiếu vốn bổ sung thêm. 

Đồng bào DTTS huyện Tánh Linh được hỗ trợ nhà ở.
Đồng bào DTTS huyện Tánh Linh được hỗ trợ nhà ở.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban định kỳ Chương trình MTQG do UBND tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: “Với số tiền 44 triệu đồng/hộ để hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định thì không đủ tiền, các hộ nghèo không có tiền bổ sung thêm lại có tâm lý sợ nợ, không dám vay Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc trước đó đã vay rồi. Vì vậy rất khó triển khai”. Tính đến nay, chỉ có huyện Tánh Linh đã thực hiện hỗ trợ 74 hộ làm nhà ở, các địa phương khác đang triển khai.

Tỉnh Bình Thuận được Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 2 nhà hỏa táng điện cho đồng bào DTTS tại huyện Tuy Phong và Bắc Bình (thuộc Dự án 4) nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Vướng mắc liên quan đến quá trình lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện vùng đồng bào DTTS và vận hành sau khi hoàn thành. Ông Võ Đức Thuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: “Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng, tham vấn Nhân dân, thuê tư vấn thiết kế, nhưng nếu không điều chỉnh quyết định 1719/QĐ-TTg thì cũng không phê duyệt được dự án”.

Quy trình thực hiện một số nội dung tốn nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn (như Dự án 6, thực hiện nội dung hỗ trợ chống xuống cấp di tích lịch sử và nghệ thuật). Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3) đến nay vẫn chưa thể giải ngân do chờ ban hành Nghị quyết của HĐND để triển khai thực hiện…

Ngoài ra, do việc phân khai nguồn vốn được thực hiện theo tiêu chí chấm điểm nên việc triển khai thực hiện các địa phương gặp nhiều khó khăn. Bà Đoàn Thị Thu Thảo, chuyên viên Văn phòng UBND huyện Đức Linh trăn trở: “Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10, huyện Đức Linh được phân bổ kinh phí để thực hiện nội dung biểu dương, tôn vinh Người có uy tín nhưng huyện chỉ có 3 Người có uy tín nên rất khó triển khai”.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Để đạt mục tiêu giải ngân vốn thực hiện các chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG 1719 năm 2022 đạt 100% và năm 2023 đạt trên 95%, ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho rằng, Trung ương cần sớm xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm giúp địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Về phía địa phương, cần tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt; đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Các sở, ban, ngành và địa phương chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án cần chủ động triển khai các nội dung phần việc với phương châm làm đến đâu thanh toán dứt điểm đến đó; đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan Chủ quản Chương trình để kịp thời đề xuất giải pháp thào gỡ khi có vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục
Như Thanh (Thanh Hóa): Người có uy tín xứng đáng là “điểm tựa của bản làng”

Như Thanh (Thanh Hóa): Người có uy tín xứng đáng là “điểm tựa của bản làng”

Ở địa phương, đội ngũ Người có uy tín được xem là cầu nối quan trọng giữa chính quyền và Nhân dân, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, họ cũng tích cực tham gia vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo tồn văn hóa dân tộc...; Theo đó, những năm qua, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) luôn chú trọng triển khai đầy đủ các chính sách chăm lo, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS.