Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bộ đội vượt rừng, tiếp cận làng Aur bị cô lập

Khánh Nguyên - 08:01, 20/10/2020

Sau nhiều ngày bị cô lập, các chiến sĩ Ban Chỉ huy (BCH) Quân sự huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã tiếp cận được người dân làng Aur, xã A Vương, huyện Tây Giang. Kể từ sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 5 vừa qua, Aur bị cô lập hoàn toàn, con đường độc đạo xuyên núi cũng xảy ra sạt lở hàng chục điểm.

Các chiến sĩ hành quân men theo hơn 10km đường rừng đến với làng Aur.
Các chiến sĩ hành quân men theo hơn 10km đường rừng đến với làng Aur.

Cô lập nhiều ngày

Sau cơn bão số 5, Aur - ngôi làng của đồng bào Cơ Tu ở giữa rừng già bị cô lập hoàn toàn. Hàng chục điểm sạt lở đất, cộng với sông, suối dày đặc đã khiến hàng chục hộ đồng bào Cơ Tu ở Aur không thể tiếp cận với bên ngoài. Để kịp thời nắm bắt cuộc sống người dân sau lũ, chính quyền huyện Tây Giang đã cử đoàn công tác của BCH Quân sự huyện đến khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế đời sống tại làng.

Tham gia đoàn công tác, Đại úy Cơlâu Ngọt, Trợ lý Chính trị BCH Quân sự huyện Tây Giang cho hay, để có mặt tại làng, các chiến sĩ phải dầm mưa, băng qua dòng nước lũ và vượt hàng chục cây số đường rừng hiểm trở. Đây là đoàn công tác đầu tiên đến với làng kể từ sau cơn bão số 5 vừa qua. Bởi đường đến làng có đến 50 điểm sạt lở lớn nhỏ, cùng nhiều đoạn sông, suối chảy xiết khiến việc tiếp cận không thể thực hiện. Vượt đường rừng hiểm trở, các chiến sĩ cõng thêm trên lưng mắm muối, mì chính... vừa tiếp tế lương thực cho đồng bào, vừa làm trinh sát, kịp thời báo cáo thông tin về làng.

Ông Alăng Arót, Trưởng thôn Aur cho biết, sống hơn nửa đời người nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh mưa lũ kinh hoàng. Lũ bất ngờ, nhiều ao cá của người dân bị cuốn trôi; hàng chục bao thóc bị úng nước, nảy mầm, không thể sử dụng. Toàn bộ hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng; gia súc cũng bị lũ cuốn... “Rất may người dân trong làng kịp thời di chuyển tài sản, trẻ em và người già đến nơi an toàn. Kho thóc dự trữ cũng được chủ động đưa lên vị trí cao ráo nên dù bị cô lập, người dân vẫn còn đủ lương thực để ăn trong thời gian mưa lũ”, ông Arót nói.

Người dân an toàn

Cũng theo Đại úy Cơlâu Ngọt, sau nhiều ngày băng rừng tìm cách vào làng Aur, các chiến sĩ đã gửi về BCH Quân sự huyện toàn bộ những thông tin, hình ảnh về làng. Theo đó, ngoài thiệt hại một số tài sản, toàn bộ 21 hộ dân với 105 nhân khẩu ở Aur đều được an toàn.

Sau lũ, chính quyền thôn Aur đã huy động lực lượng tại chỗ cùng nhau dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai. Đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân cũng bắt đầu được “khởi động” trở lại. Các giáo viên chủ động triển khai kế hoạch dạy học cho trẻ... Nhiều ngày qua, các thanh niên trong làng đã lặn lội đường rừng để tu sửa nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do nguồn nước bị hư hỏng nặng nên việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn, khiến cả làng phải dùng chung một vòi nước nhỏ.

“Điều đáng mừng là dù bị ảnh hưởng của mưa lũ, bị cô lập nhưng tất cả người dn trong làng đều an toàn. Lương thực cũng đủ dự trữ để dùng trong cộng đồng. Trước mắt, địa phương sẽ tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, bảo đảm thông đường cho người dân đi lại trong thời gian sớm nhất. Về khó khăn của người làng, chúng tôi sẽ khắc phục dần, bảo đảm không để người dân bị đói do mưa lũ”, ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay. 

Tin cùng chuyên mục