Tượng Bố Tát Thích Quảng Đức được thờ tại chùa Quán Thế Âm, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh“Tôi để lại trái tim”
Hoà thượng Thích Giác Trí, trụ trì Tổ đình Quán thế Âm, còn có tên chùa Quảng Đức (địa chỉ tại số 90, đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) kể lại: Chùa Quán Thế Âm là ngôi chùa cuối cùng Hoà Thượng, Bồ tất Thích Quảng Đức trụ trì.
Trước khi thực hiện thiêu thân cúng dường Phật Pháp nhằm bảo vệ Phật giáo nước nhà trước sự phân biệt, đàn áp của chính quyền cũ, Hoà thượng Thích Quảng Đức đã có di ngôn trước với chư hoà thượng, đại đức, tăng ni và đồng bào phật tử rằng: “Khi tôi thiêu thân, nếu xác thân tôi ngã về phía sau, mặt hướng lên trời thì Phật giáo nước nhà được trường tồn. Còn nếu xác thân tôi ngã về phía trước, úp mặt xuống đất thì nền Phật giáo nước nhà xem như tiêu vong”.
Khi đó, nhiều chư tăng, phật tử không kìm được xúc động hỏi tiếp: Ngài là bậc chân tu, nguyện đem xác thân cúng dường chư phật để bảo vệ nền đạo pháp nước nhà. Vậy khi thiêu thân, ngài để lại gì?
Không suy nghĩ, Hoà thượng trả lời ngay: “Tôi để lại trái tim tôi”…
Hoà thượng Thích Giác Trí kết luận: “Tất cả những điều ngài nói trước đó đã ứng nguyện. Xác thân ngài đã ngã về phía sau, mặt ngửa lên trời đúng theo lời nói của ngài. Chứng tỏ Phật giáo sẽ trường tồn mãi mãi đến hôm nay và mai sau”.
Riêng trái tim của ngài sau khi trà tỳ (tẩn liệm) và hoả táng ở nhiệt độ hàng nghìn độ C suốt nhiều giờ nhưng khi mang tro cốt ngài ra thì mọi người bất ngờ, ngạc nhiên trước hình ảnh trái tim còn nguyên vẹn.
Sau khi bàn thảo, những người có trách nhiệm quyết định đưa trái tim và thiêu thêm lần nữa với nhiệt độ cao hơn, thời gian lâu hơn. Nhưng cuối cùng trái tim ngài vẫn vẹn nguyên. Chứng tỏ lời di ngôn của ngài là chân lý. Quyết định thiêu thân để cứu Phật giáo trước mối nguy tiêu vong là quyết định của vị Bồ Tát”.
Tại Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 sự xuất hiện trở lại của “Quả tim bất diệt” là hiện thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức trên cõi đời này. Đây là niềm tự hào chung cho Phật giáo Việt Nam và Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc với ý nghĩa “Lòng từ bi, hòa bình và phát triển bền vững”.
Tại vị trí Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu được dựng lên ngôi bảo tháp và tượng ngài để Nhân dân, phật tử đến thắp hương chiêm báiNgọn lửa yêu nước
Nhiều khách tham quan, du khách và phật tử đến dự Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 và tham quan các di tích như chùa Quán Thế Âm, đài tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiễu, Q3 TP. Hồ Chí Minh thắc mắc: Quyết định tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức là tự phát hay có tổ chức”.
Câu hỏi này đã được Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quảng – Pháp Chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thông bạch: Năm 1963 là năm Quý Mão. Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam đặt tại chùa Ấn Quang. Lúc này Hoà thượng Thích Quảng Đức mang đơn xin tự thiêu đến trình với Ủy ban và nói “Các ngài cho tôi xin tự thiêu, dùng tấm thân này cúng dường Phật Pháp cầu cho Phật giáo nước nhà bình an, trường tồn thì mọi chuyện sẽ được hoá giải”.
Khu tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày nay, nơi thu hút du khách thập phương, đồng bào phật tử đến tham quan, chiêm báiĐây là vấn đề chưa từng có xảy ra, liên quan tính mạng con người nên các thành viên trong Ủy ban nhận đơn và yêu cầu Hoà thượng về chùa nghỉ ngơi, thanh tịnh suy nghĩ.
Trưởng lão Hoà thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nói tiếp: “Khi Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam nhận đơn tự tiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Đức thì tình hình đàn áp Phật giáo của chính quyền cũ ngày càng căng thẳng. Sau khi đã bàn bạc và nhận được khẳng định của Hoà thượng Thích Quảng Đức, Uỷ Ban quyết định chấp nhận đơn xin tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức”.
Nói về ý nghĩa của quyết định tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Đức, Giáo sư Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Hành động tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức nằm trong dòng chảy của các phong trào đấu tranh yêu nước. Sự chuẩn bị và quyết định hy sinh của ngài nhằm cứu nguy đạo pháp cũng chính là bảo vệ hoà bình, chống lại các thế lực làm phương hại đất nước nên được tôn kính là Bồ Tát.
Tại nơi ngài tự thiêu đã được dựng lên ngôi bảo tháp có tượng ngài để Nhân dân, phật tử đến chiêm bái, thắp hương.
Gần đây UBND TP. Hồ Chí Minh đã mở cuộc thi thiết kế biểu tượng Hoà Thượng Thích Quảng Đức với quả tim bất diệt và dùng biểu tượng này để xây dựng khu tưởng niệm Hoà Thượng Thích Quảng Đức ngay phía đối diện bảo tháp để du khách thập phương trong và ngoài nước, đồng bào phật tự đến chiêm bái.
Đặc biệt với thế hệ trẻ thì Khu tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức còn là nơi giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, sinh viên… về tinh thần yêu nước.
Là một trong các hoạt động tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh; chiều 5/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm cử hành Lễ cung thỉnh Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức từ Ngân hàng Nhà nước về Việt Nam Quốc Tự (đường 3/2, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh).
Đây là lần đầu tiên Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được đưa ra cho người dân và phật tử chiêm bái. Chương trình chiêm bái Xá lợi kéo dài đến ngày 10/5 (13/4 âm lịch). Sau đó, Xá lợi trái tim của Bồ tát sẽ được tôn trí vĩnh viễn tại tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.