Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Lan tỏa tinh thần Phật giáo Việt Nam từ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc: Ngày hội của Phật giáo thế giới (Bài 3)

Sỹ Hào - 5 giờ trước

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 16, PL.2563 - DL.2019 được tổ chức tại Khu du lịch Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Trong lần thứ 3 tổ chức tại Việt Nam, với sự giúp đỡ của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã đưa Đại lễ Vesak LHQ 2019 trở thành ngày hội của Phật giáo thế giới.

Đại lễ Vesak LHQ 2019 được GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 12 - 14/5/2019, tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Đại lễ Vesak LHQ 2019 được GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 12 - 14/5/2019, tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Đại lễ Vesak LHQ 2019 được GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 12 - 14/5/2019, tại chùa Tam Chúc. Với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Đại lễ Vesak LHQ 2019 được đánh giá là Đại lễ có quy mô lớn nhất, để lại ấn tượng đẹp nhất từ trước tới nay.

Báo cáo tổng kết của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) cho thấy, Đại lễ Vesak 2019 có sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu quốc tế. Trong đó, có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng Thư ký LHQ; bộ trưởng của nhiều nước cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đại lễ còn có sự tham dự của nhiều Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức Phật giáo đến từ hơn 115 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Sự kiện có sự tham dự của có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về phía GHPG Việt Nam có Phó Pháp chủ GHPG Việt Nam, lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự, lãnh đạo Ban trị sự Giáo hội 63 tỉnh, thành phố cả nước; các tăng ni tiêu biểu cùng hơn 20.000 phật tử đại diện các Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài, phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn, đồng bào Phật tử và Nhân dân cả nước.

Trong diễn văn khai mạc Đại lễ Vesak 2019, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ của Việt Nam 2019 (hiện là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam) đã khẳng định: “Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam là ngày hội của Phật giáo thế giới theo chủ trương của LHQ, đồng thời khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương của LHQ, thể hiện sự lớn mạnh của GHPG Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.

Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, thành công có ý nghĩa rất lớn từ Đại lễ Vesak LHQ 2019 là sự đóng góp của các đại biểu để ra được Tuyên bố Hà Nam, góp phần giải quyết những vấn nạn mang tính toàn cầu và vấn nạn ở mỗi quốc gia được LHQ quan tâm. Kỷ yếu Đại lễ Vesak LHQ 2019 có 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước. Đây là nguồn tư liệu và kiến thức rất phong phú phục vụ cho nghiên cứu lâu dài và vận dụng vào quản lý xã hội hiện tại rất thiết thực.

Ghi nhận nhiều kỷ lục

Bên cạnh quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thì Đại lễ Vesak 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc đã ghi nhận nhiều kỷ lục đáng chú ý; trong đó có 02 Kỷ lục Thế giới mới tại Việt Nam được Liên minh Kỷ lục Thế giới - WorldKings xác lập.

Đầu tiên đó là kỷ lục Đàn Lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới lớn nhất thế giới. Đàn Lễ được lập để phục vụ Đại lễ Vesak LHQ 2019 diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Đại lễ được thiết kế gồm 5 tầng, cao 9m, có diện tích sàn 864m2 (dài 36m x rộng 24m). Kỷ lục được trao cho Ban Văn Hóa Trung ương GHPG Việt Nam.

Kỷ lục thứ hai là Tháp Đại Bi Kim Cương có hệ thống 158 tượng đồng mạ vàng và 108 chuông đồng mạ vàng đánh một tiếng vang tự động nhiều nhất thế giới. 

Hệ thống đánh chuông tự động được thiết kế để điều khiển tự động việc đánh 108 quả chuông nhỏ bằng đồng mạ vàng theo tầng, được bố trí từ tầng 2 đến tầng 14 của Bảo tháp (mỗi tầng bố trí 8 quả chuông, riêng tầng 14 bố trí 12 chuông) một cách tự động thông qua tín hiệu nhận được từ cảm biến gắn tại đầu dùi đánh chuông chính. Kỷ lục được trao cho Chùa Thánh Quang (tỉnh Bắc Ninh).

Ngoài 02 kỷ lục thế giới mới, với sự đề cử của Ủy ban Quốc gia Đại lễ Phật đản Vesak LHQ 2019 Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam cũng đã công nhận 10 Kỷ lục Việt Nam kính chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019 tổ chức tại Việt Nam. Đó là các kỷ lục: Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất; Hội chợ Văn hóa Phật giáo lớn nhất; Triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất; Lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất;…

Chùa Thánh Quang (tỉnh Bắc Ninh) với Tháp Đại Bi Kim Cương có hệ thống 158 tượng đồng mạ vàng và 108 chuông đồng mạ vàng đánh một tiếng vang tự động nhiều nhất thế giới.
Chùa Thánh Quang (tỉnh Bắc Ninh) với Tháp Đại Bi Kim Cương có hệ thống 158 tượng đồng mạ vàng và 108 chuông đồng mạ vàng đánh một tiếng vang tự động nhiều nhất thế giới.

Đáng chú ý là kỷ lục “Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất” trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2019. Hội thảo Phật giáo Quốc tế tại Đại lễ Vesak 2019 thu hút hơn 10.000 người của các phái đoàn đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Hội thảo tại Đại lễ Vesak LHQ 2019 đã tăng cường sự hợp tác giữa các cộng đồng và tổ chức Phật giáo thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp Phật giáo đối với các mục tiêu mà LHQ theo đuổi.

Theo đánh giá của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Đại lễ Vesak LHQ là cơ hội lý tưởng để gắn kết và truyền tải tình cảm hợp tác quốc tế vì lợi ích chung là hạnh phúc con người. Qua Đại lễ, mỗi người tìm thấy những giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp cần học hỏi, tìm thấy những hạn chế cần điều chỉnh để phát huy.

Vì thế, Đại lễ Vesak còn là Đại lễ của đối ngoại Nhân dân đa chiều thông qua các cá nhân có nhiệt tình, đạo đức và nhận thức đúng để kết nối, chuyển tải thông điệp của LHQ, thông điệp của nước chủ nhà và thông điệp của các nước qua giao lưu đến Nhân dân và lãnh đạo mỗi nước để cả thế giới dần hiểu nhau; để mỗi người dần sát vai chung tay cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình an lạc.

Thành công từ 3 lần tổ chức Đại lễ Vesak, nhất là lần thứ 3 được tổ chức tại tỉnh Hà Nam, Việt Nam tiếp tục được chọn đăng cai và tổ chức Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 20 năm 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng đồng thời cho thấy, GHPG Việt Nam ngày càng trở thành ngọn hải đăng trong định hướng các hoạt động quốc tế của Phật giáo thế giới, trong việc xiển dương giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới ngày nay.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật

Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, chiều ngày 5/5, đoàn công tác Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Uỷ ban Quốc gia Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã đến thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Điều dưỡng, Phục hồi chức năng - Trợ giúp trẻ em và Hỗ trợ người khuyết tật ở TP. Hồ Chí Minh.