Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bốn trụ cột “hạnh phúc” của đất nước Phật giáo Bhutan

Duy Ly (theo bbctravel) - 15:47, 17/11/2021

Nằm giữa hai cường quốc kinh tế là Trung Quốc và Ấn Độ, với dân số chỉ hơn 760.000 người, Vương quốc Bhutan được biết đến trên toàn cầu, với thước đo độc đáo để đánh giá về sự phát triển của quốc gia là Chỉ số Tổng hạnh phúc Quốc gia (GNH).

Đất nước Bhutan yên bình, xinh đẹp
Đất nước Bhutan yên bình, xinh đẹp

Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH)

Khái niệm này được đưa vào thực hiện năm 1972, bởi vị vua thứ tư của Bhutan là Jigme Singye Wangchuck. Không dựa vào các định lượng kinh tế truyền thống, Bhutan đánh giá mức độ phúc lợi tổng thể của đất nước mình, trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội bền vững và công bằng; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy văn hóa và quản trị quốc gia tốt.

Tổng hạnh phúc Quốc gia là tập hợp các điều kiện, những yếu tố thường thấy để có được một cuộc sống tốt đẹp”, Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche cho biết.

Cũng theo Đại sư, hạnh phúc là mối quan tâm của tất cả mọi người. Dù có thừa nhận hay không, thì đây vẫn là lẽ sống của loài người chúng ta.

Là người đứng đầu Tu viện Sangchen Ogyen Tsuklag ở Trongsa, Bhutan, Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche tường tận tất cả về hành trình theo đuổi hạnh phúc. Đảm nhận vị trí này khá sớm (năm 2009) khi đó mới 19 tuổi, ông là một trong những Rinpoche (bậc thầy tâm linh) trẻ nhất ở Bhutan vào thời điểm đó. Nay ở tuổi 31, ông đã dành trọn 12 năm vừa qua để hết lòng chỉ dạy cho chúng sinh toàn cầu về giáo lý cốt lõi của Phật pháp, và cách vận dụng chúng để sống hạnh phúc hơn mỗi ngày, bất kể nguồn gốc văn hóa và tôn giáo của mỗi cá nhân.

Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche
Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche

Trước đại dịch, Đại sư Rinpoche đã đi khắp thế giới để thuyết giảng và chủ trì các buổi hội thảo thông qua sáng kiến ​​Neykor của mình. Ông cũng vun đắp cho kế hoạch xây dựng Học viện Phật giáo đầu tiên ở Bhutan, với dự định sẽ chào đón tất cả học viên có quan tâm tìm hiểu về triết lý nhà Phật, bất kể nền tảng xuất thân hay tôn giáo của họ.

“Mọi việc tôi đang làm lúc ấy đều phải hoãn lại. Tôi quyết định xem đây là cơ hội để củng cố sâu sắc hơn những kinh nghiệm mình đang có, đồng thời tự cách ly. Tôi đã lên núi và sống ở đó với rất ít thức ăn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không có nơi trú ẩn nào khác ngoài hang động tự nhiên. Điều đó cho tôi thời gian để thực sự thấm nhuần những lời dạy của chính mình. Điều trở nên rất rõ ràng là hạnh phúc thực sự không hề liên quan đến những vật ngoài thân. Nó xuất phát từ chính bên trong chúng ta”, Đại sư Rinpoche nói.

Tất nhiên, Đại sư Rinpoche nhấn mạnh rằng, những người bình thường không cần khổ hạnh như ông để tìm đến sự bình yên. Ông cho rằng: Chúng ta nên ngừng tìm kiếm hạnh phúc trong những trải nghiệm ngoài thân. Hạnh phúc có 4 trụ cột, đó là: Tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự buông bỏ và nghiệp nhân quả. Những điều này có thể được chiêm nghiệm mọi lúc, mọi nơi với mỗi con người.

Người dân “hạnh phúc” trên đất nước “hạnh phúc”
Người dân “hạnh phúc” trên đất nước “hạnh phúc”

Bốn trụ cột hạnh phúc

Theo Đại sư Rinpoche, “tình yêu thương” là chìa khóa tạo ra hạnh phúc không chỉ cho riêng mình, mà còn cho mọi người. Bạn phải yêu lấy bản thân và hiểu thật rõ rằng bạn luôn an yên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ đó, bạn mới có thể lan tỏa lòng từ bi đến người khác.

Đối với Chunjur Dozi, một cựu hướng dẫn viên du lịch người Bhutan, anh tin rằng “lòng từ bi trắc ẩn” của người dân quê hương anh bắt nguồn từ tôn giáo. “Chúng tôi có ý thức cộng đồng mạnh mẽ trong việc giúp đỡ người khác, điều này xuất phát từ phần lớn dân số theo đạo Phật. Tôi luôn cân nhắc xem những gì tôi làm có mang lại lợi ích cho cộng đồng hay không”.

“Buông bỏ” hay chấp nhận vạn vật vô thường - là một triết lý Phật giáo nằm trong gốc rễ của văn hóa Bhutan. “Khi gặp trắc trở, đừng nản lòng thoái chí, vì vạn vật luôn thay đổi. Khi ta chấp nhận vạn vật là vô thường, thì ta hiểu rằng sẽ luôn có sự đổi thay và đi cùng với thay đổi là niềm hy vọng”, Đại sư Rinpoche cho biết.

Đối với trường hợp của Dozi, sau khi mất đi công việc hướng dẫn viên du lịch do đại dịch Covid-19, anh đã quay trở về quê hương. Kể từ khi quay về làng, anh vừa học làm nghề mộc và giúp đỡ xóm làng sửa chữa nhà cửa, vừa bắt tay vào một dự án cộng đồng lớn. “Chúng tôi đã cải tiến một trang trại kiểu cũ bị một gia đình bỏ hoang, biến nó thành một điểm du lịch. Từ lâu tôi đã luôn ủng hộ chủ trương tiếp cận du lịch một cách sâu rộng hơn cho những du khách muốn khám phá văn hóa và lối sống chốn thôn quê ở Bhutan”, Dozi chia sẻ.

Về “nghiệp nhân quả”, Đại sư Rinpoche cho rằng: Mọi người hầu như hiểu lầm về nghiệp. Đa số đều cho rằng nó có nghĩa là gieo gió thì gặt bão, như thể một cách trả thù hay một hình phạt hiển nhiên. Thật ra không phải như thế. Nghiệp ở đây là về nhân quả và hoàn cảnh. Nó giống như việc gieo hạt một giống cây vậy. Gieo hạt xoài sẽ mọc thành cây xoài chứ không thể thành cây khác được. Tin vào nghiệp là một cơ hội để thay đổi và định hình bản thân, để thực sự xây dựng nên con người mà bạn muốn trở thành và làm những gì bạn muốn đạt được.

Người Bhutan được tiêm vắc xin chống lại Covid-19 tại một trung tâm cộng đồng ở Trashigang
Người Bhutan được tiêm vắc xin chống lại Covid-19 tại một trung tâm cộng đồng ở Trashigang

Những vấn đề chung của đất nước

Đại sư Rinpoche khẳng định rằng, Bhutan “vô cùng yên bình, lại sở hữu môi trường thiên nhiên hùng vĩ và nguyên sơ” vẫn có những vấn đề của riêng nó, như mọi đất nước khác trên thế giới.

Lạm phát tiếp tục leo thang, với chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng mất an ninh lương thực cũng là một thực tế (Bhutan nhập khẩu gần 50% nhu cầu lương thực thực phẩm) và giá thức ăn đã tăng gần 15%. Tác động từ việc đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021 khiến ít nhất 50.000 người trong ngành du lịch mất việc làm và sinh kế.

Dù vậy, quản trị quốc gia tốt, một trong những nền tảng của chỉ số GNH, vẫn luôn là yếu tố quan trọng giúp Bhutan vượt qua đại dịch. Những ứng phó nhanh chóng của chính phủ trước tác động của Covid-19 lên kinh tế- xã hội, đã được cộng đồng quốc tế tán dương, khi nước này hoãn thuế, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân.

Các nghị viên Quốc hội đã quyên góp 1 tháng lương cho các nỗ lực cứu trợ. Chính phủ cũng ưu tiên tiêm phòng cho người dân và đến nay 90,2% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

“Điều thực sự đặc biệt là người Bhutan luôn tồn tại một ý niệm thống nhất về lòng biết ơn, hạnh phúc cộng đồng và bản sắc dân tộc”, Thinley Choden - một doanh nhân và nhà tư vấn xã hội, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.