Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

Tào Đạt - 10:37, 05/11/2024

“Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng /Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ”, dạo một vòng chợ nổi Cái Răng bằng thuyền máy, nhớ tới những câu thơ của tác giả Huỳnh Kim (thành phố Cần Thơ), cho tôi nhiều cảm giác thú vị. Nhưng điều khiến tôi mãn nhãn nhất là được ngắm nhìn, được thưởng thức đủ thứ trái cây, hương vị và màu sắc của miệt vườn sông nước miền Tây.

Hoạt động buôn bán tạo ra một khung cảnh trên bến dưới thuyền sinh động và đầy sức sống
Hoạt động buôn bán tạo ra một khung cảnh trên bến dưới thuyền sinh động và đầy sức sống

Đặc sắc chợ nổi

Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) có từ bao giờ chẳng ai nhớ, nhưng khi đường bộ chưa đóng vai trò giao thông quan trọng, thì đò giang sông nước luôn là nhịp cầu nối liền các miền ngược xuôi, nối liền nguồn và biển. Ban đầu, những chiếc tàu, ghe, xuồng chỉ làm nhiệm vụ chở hàng hóa đi khắp các con sông, con rạch để mua bán, trao đổi. Dần dần, người ta mới nghĩ ra cách họp chợ ngay trên dòng sông.

5h sáng, chiếc thuyền du lịch có sức chứa khoảng 10 người bắt đầu đưa chúng tôi rời bến Ninh Kiều để khám phá chợ nổi Cái Răng. Chợ ở đây họp cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là khoảng 5-8h sáng.

Tại chợ nổi, mỗi chiếc thuyền vừa là một gian hàng, một ngôi nhà, một gia đình. Có thuyền bán sỉ, thuyền bán lẻ. Những ghe bán hàng thường neo đậu một chỗ để dành khoảng trống ở giữa cho các ghe khác đi lại và khách tham quan mua sắm.

Mỗi thuyền bè ở chợ đều có một cây bẹo, bán gì người ta treo lên đó để khách biết đến mua. Những cây bẹo vui mắt treo lủng lẳng đủ loại rau củ quả đầy sắc màu càng làm khu chợ tươi mới hơn. Nông sản bày bán thì đa dạng, có khi chỉ là củ khoai, củ sắn, trái chanh, trái ớt…, cũng có khi là đồ ăn, thức uống, rồi những vật phẩm thiết yếu cho sinh hoạt như đồ tạp hóa, kim chỉ, kể cả xăng dầu.

Chiếc đò của chúng tôi cặp vào cạnh một chiếc ghe chở đầy trái cây, bà Đặng Thị Chang (52 tuổi) - chủ ghe mời chào chúng tôi mua và thưởng thức đủ thứ hoa quả như chôm chôm, khóm, mận... với nụ cười hào sảng. “Đến chợ nổi, khách muốn mua gì chỉ cần giơ tay làm dấu là ngay lập tức xuất hiện những con xuồng mang thức ăn, nước uống đến phục vụ rất nhanh chóng và an toàn", bà Chang cho hay.

Đi dạo một vòng chợ nổi tôi đã mua một số hoa quả ưa thích với giá tương đối "mềm": 50.000 đồng 1 cân xoài thơm ngon, 20.000 đồng 1 trái dừa … Tôi còn thưởng thức nhiều món ăn dân dã miền Tây ngon và lạ miệng: bánh canh ngọt, bánh xèo quê, hủ tiếu vườn… Đặc biệt, không quên thưởng thức một cốc cà phê sữa đá ngọt thơm giữa dập dềnh sóng nước.

Ngoài việc được tìm hiểu hoạt động buôn bán trên sông vốn là nét đẹp văn hóa miền Tây, đến chơi chợ nổi còn có thể khám phá thêm nhiều phong tục, lối sống độc đáo của con người nơi đây. Việc đi lại và buôn bán bằng đường thủy đã giúp người dân dễ dàng hoà nhập cộng đồng, tạo nên một không gian sống trên bến dưới thuyền sinh động và đầy sức sống.

Nhiều ghe như vậy hình thành nên một “xã hội” rất đặc trưng, nhưng không hề tồn tại trên giấy tờ, hộ tịch, cũng chẳng có giới hạn hành chính nào cụ thể. Đây cũng là nét đặc sắc tạo nên tính cách phóng khoáng và cởi mở của người dân vùng sông nước miền Tây.

Đa dạng các loại mặt hàng của miệt vườn sông nước miền Tây được bày bán
Đa dạng các loại mặt hàng của miệt vườn sông nước miền Tây được bày bán

Giữ cho chợ nổi không “chìm”

Ngày nay, du lịch phát triển hơn, khách tham quan đa phần tìm đến chợ nổi là để được đắm mình trong không gian mua bán, tiếng nói cười xôn xao, tiếng hò, tiếng rao trên chiếc thuyền tam bản. Chợ nổi vẫn còn, nhưng thuyền bè không được đông đúc như xưa, vì cái hồn của chợ nổi là thương hồ đã dần thưa vắng. 

Bà Nguyễn Thị Bé (67 tuổi) người đã có 42 năm gắn bó với nghề lái đò chở khách vòng quanh chợ nổi. Ngồi trên chiếc ghe chòng chành trên sông, bà Bé kể: “Chợ nổi bây giờ khác xưa nhiều lắm. Ngày đó, cao điểm chợ hoạt động từ tờ mờ sáng đến chiều tối, các tàu ghe chở trái cây, rau củ đậu chật kín cả khúc sông, tàu ghe nào muốn tìm cách len lỏi để di chuyển qua lại cũng khó. Bây giờ giao thương bằng đường bộ thuận tiện nên nhiều thương hồ đã lên bờ buôn bán”.

Bà Nguyễn Thị Kim Chưởng - người phụ nữ với chiếc ghe nhỏ cung cấp dịch vụ nước giải khát - chia sẻ, sau hơn 30 năm mưu sinh trên chợ nổi, bà nhận thấy rõ sự đổi thay của việc giao thương, mua bán nơi đây. “Nếu như trước kia tàu ghe mua bán nông sản tấp nập, thì nay lại thay thế bằng những tàu chở khách du lịch. Mỗi ngày, chiếc ghe cung cấp cà phê, trà đường, sữa đậu nành… của tôi cũng bán được cho vài chục du khách, dù không nhiều nhưng đủ sống qua ngày”, bà Chưởng cho hay.

Đúng như chia sẻ của những người đã từng gắn bó lâu năm, dọc theo chợ nổi Cái Răng, quan sát thấy ghe tàu của các thương hồ thưa vắng hơn, thay vào đó đa phần là tàu chở khách du lịch, cùng những người lái ghe tàu làm dịch vụ kiếm sống.

Không gian làng nghề tại chợ nổi Cái Răng
Không gian làng nghề tại chợ nổi Cái Răng

Theo thống kê của ngành chức năng quận Cái Răng, từ khi thực hiện đề án đến nay, mỗi năm lượng khách đến tham quan chợ nổi đều tăng trên 10%. Bình quân cao điểm mỗi ngày có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan chợ nổi. Riêng 8 tháng năm 2024, du lịch quận này đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó có gần 684.000 lượt khách tham quan chợ nổi Cái Răng. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 137,5 tỉ đồng.

Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh cũng từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, bởi sự “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”.

Những năm qua, vấn đề giữ gìn, bảo tồn chợ nổi Cái Răng luôn được TP. Cần Thơ quan tâm, rõ nhất là việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” từ năm 2016. Trong đó, nhiều công trình, hạng mục đã được thực hiện.

Tuy nhiên, khi thực hiện đề án, điều cốt lõi là bảo tồn và phát huy văn hóa chợ nổi vẫn chưa được như kỳ vọng. Mặt khác, thương hồ - những người được xem là linh hồn của chợ nổi dường như vẫn chưa thực sự được quan tâm, bởi đời sống của họ vẫn bấp bênh. Điển hình là bà Nguyễn Thị Bé, 42 năm mưu sinh trên chợ nổi, đến nay vẫn chỉ có vỏn vẹn chiếc bè nổi là tài sản duy nhất, thu nhập ngày có ngày không…

Nguyên nhân khác, phải kể đến là do sự phát triển của hệ thống bờ kè xung quanh. Trong thời gian gần 2 năm xây dựng bờ kè sông Cần Thơ, việc giao thương “trên bến dưới thuyền” của các thương hồ gặp nhiều trở ngại, nhiều người cũng vì thế mà quyết chuyển hướng mưu sinh, các ghe tàu cũng sụt giảm đáng kể.

Du khách trong nước và quốc tế tham quan và mua sắm tại chợ nổi Cái Răng
Du khách trong nước và quốc tế tham quan và mua sắm tại chợ nổi Cái Răng

Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng nhận định: Việc bảo tồn chợ nổi phải đúng với thực tế văn hóa của cư dân thương hồ Tây Nam bộ như cách thức buôn bán, phong cách ăn mặc, giao tiếp. Muốn bảo tồn chợ nổi, trước hết cần phải giữ chân thương hồ. Đồng thời, mở rộng theo định hướng phát triển du lịch, trong đó cần giữ được sắc thái, bản chất gốc tạo nên truyền thống của chợ nổi, đồng thời có sự hội nhập để chợ nổi phát triển một cách bền vững, mới lạ và hấp dẫn...

Tin cùng chuyên mục
Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Từ một vùng đất nghèo khó, huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ. Những ngôi nhà tạm đang được thay thế bằng nhà xây kiên cố; những ngôi trường khang trang tiếp bước học sinh đến trường; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo được hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo; diện mạo thôn, làng vùng đồng bào DTTS đang từng ngày khởi sắc… Đó là kết quả từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Sa Thầy trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).