Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giải trí

Bùng nổ không gian sáng tạo trên môi trường ảo

PV - 16:12, 06/01/2022

YouTube, Instargam, Facebook, Podcast… ngày càng nổi trội với tư cách là những hệ sinh thái tích hợp bên trong các không gian số, không chỉ là nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng, mà còn là không gian thuận lợi cho nhiều sáng tạo văn hóa - nghệ thuật.

Nhiều không gian sáng tạo đang dần mở rộng và phát triển hoạt động trên các không gian số. (Ảnh minh họa)
Nhiều không gian sáng tạo đang dần mở rộng và phát triển hoạt động trên các không gian số. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia văn hóa sáng tạo chỉ ra rằng, không gian số thực sự đã mở ra một thế giới hấp dẫn với người dùng, nơi mà người sáng tạo nội dung và công chúng chưa bao giờ tiếp xúc với nhau dễ dàng đến như vậy.

Sáng tạo trên mạng kiếm bộn tiền

Bàn về sáng tạo văn hóa - nghệ thuật trên không gian số, ThS. Trần Văn Hiếu, Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) quốc gia Việt Nam cho rằng, có thể nói không gian số là “mỏ vàng” với những người nhanh nhạy. Ở đó, tất cả nội dung số đều có giá trị và có thể được chia sẻ và cho thuê, thậm chí cả các giao dịch, được gọi là “tài sản số”. Những nhà phát triển kỹ thuật số đã nhận ra trong một vài năm nữa, tài sản số sẽ trở thành một trong những tài sản quan trọng của nhân loại.

Và trên những không gian số, sáng tạo VHNT đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực: Văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật, thư viện, nghệ thuật biểu diễn cho đến các sáng tạo dưới dạng thức kỹ thuật số phức tạp. Không chỉ trong nước, kết nối với quốc tế rộng mở đã giúp văn hóa sáng tạo của Việt Nam dần tăng cả về lượng và chất. Trước xu hướng phát triển ấy, vài năm trở lại đây, bên cạnh các hoạt động sáng tạo VHNT truyền thống còn có một không gian giới thiệu tác phẩm vô cùng rộng mở trên không gian số. Trên không gian số hiện nay, các sáng tạo về nội dung như trên các môi trường Facebook, YouTube, Instargram, Tiktok, Website, Podcast chiếm mức độ phổ biến đối với công chúng.

Sáng tạo trên không gian số ở Việt Nam nhanh chóng được biết đến không chỉ trên môi trường mạng, mà còn có giá trị trong đời sống thực, được thể hiện như là cầu nối giữa người sáng tạo đến người tiếp cận nội dung. Điều này kích thích, tạo động lực cho các sáng tạo VHNT trên không gian số rộng rãi, có chiều sâu và mang lại giá trị tiền bạc, hình ảnh, uy tín cho các văn nghệ sĩ cũng như người sáng tạo nội dung.

ThS. Trần Văn Hiếu chia sẻ, một ví dụ nổi bật về sáng tạo VHNT trên không gian số có thể nhắc đến họa sĩ nhỏ tuổi Xèo Chu, vừa bán đấu giá thành công bức tranh NFT có tên Hoa mai may mắn trên nền tảng Binance với giá 22.899 USD (527 triệu đồng). Theo đại diện Binance, đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn NFT.

Nhiều ví dụ khác về những sáng tạo trên không gian ảo mang lại giá trị kinh tế, tiền bạc như sách tiếng trên Podcast, sáng tạo nội dung trên YouTube… Chỉ riêng con số thống kê về gia tăng số người dùng YouTube, số người đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube và nhiều ngàn trang có thu tiền từ quảng cáo đã cho thấy, sáng tạo nội dung trên nền tảng này là mảnh đất vô cùng màu mỡ.

ThS. Nguyễn Hữu Khôi, Viện VHNT quốc gia Việt Nam cũng nhìn nhận, mạng xã hội được xem như công cụ để lan tỏa sự sáng tạo, thông qua những thước phim, ảnh, video ngắn có khả năng tạo nên xu hướng mới. Chính những nội dung được đăng tải trên mạng xã hội cũng là sản phẩm của sự sáng tạo; không chỉ cung cấp thông tin mà còn mang mục đích thương mại, truyền cảm hứng, thay đổi tư duy, hành vi…

Một ví dụ có thể kể tới là trào lưu Ghen Cô Vy nổi lên trên mạng xã hội đã góp phần mang âm nhạc Việt Nam tới thêm nhiều bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và đặc biệt là cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, truyền thông mạng xã hội đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với văn hóa sáng tạo. Một việc làm cơ bản mà các nghệ sĩ, nhà thiết kế, người thực hành sáng tạo cần đẩy mạnh là xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng, là nơi để họ chia sẻ các tác phẩm, trình diễn và kết nối với khán giả...

 Triển lãm online xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh minh họa)
Triển lãm online xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh minh họa)

Làm sao để không chệch hướng?

Phân tích xu hướng ngày càng bùng nổ các hoạt động sáng tạo VHNT trên mạng xã hội, ThS. Trần Văn Hiếu cho rằng, các sáng tạo nội dung trên không gian số khá đa dạng và phong phú. Quản lý và định hướng các nội dung này là bước đi cần thiết nhằm thích ứng với sự phát triển, đồng thời chấn chỉnh các nội dung không phù hợp.

“Không phải ai khi sáng tạo nội dung trên không gian số đều ý thức được nội dung mình làm ra. Bên cạnh những nội dung tích cực cũng tồn tại một số cá nhân, tổ chức hiểu lệch lạc, lợi dụng tự do ngôn luận hay chỉ “câu view”… đang làm cho sáng tạo VHNT trên không gian số thêm rối loạn, làm công chúng hoang mang”, ông Hiếu nói.

Chưa bao giờ các sáng tạo VHNT trên không gian mạng lại bùng nổ như hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài. Bởi vậy, cần đánh giá đúng về các sáng tạo nội dung trên không gian số, từ đó đưa ra các chế tài thích ứng với các nhu cầu sáng tạo của cộng đồng. Theo đó, chuyên gia cho rằng, để quản lý, kiểm soát nội dung sáng tạo trên môi trường không gian số cần có các công cụ quản lý. Chẳng hạn như lượng hóa các nguồn thông tin đầu vào để có thể theo dõi những thay đổi, các xu hướng của các sáng tạo trên không gian mạng, từ đó có các nguồn dữ liệu đáng tin cậy để có thể đưa ra các công cụ quản lý phù hợp.

Từ góc nhìn kỹ hơn với phát triển văn hóa sáng tạo của Thủ đô, ThS. Nguyễn Hữu Khôi lưu ý, nhiều Bảo tàng tại Hà Nội thời gian qua đã ra mắt các tour tham quan trực tuyến 3D. Tuy nhiên, phải cân nhắc kỹ các yếu tố về tính hấp dẫn, tiện lợi. Bởi nếu phải mất nhiều bước để đi tới một địa chỉ web để tìm kiếm thông tin hay xem một sản phẩm nào đó có thể khiến khán giả dễ bị “lười” và giảm mức độ hứng thú.

Nêu vấn đề danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” của Hà Nội chưa được đông đảo người dân hưởng ứng, thậm chí là biết đến, ngay cả là những người đang sinh sống tại Hà Nội, ông Khôi nhấn mạnh, có thể thấy công tác truyền thông về văn hóa sáng tạo tại Hà Nội chưa thực sự được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Khác với nhiều thủ đô khác trong khu vực và trên thế giới, Hà Nội không có một kênh truyền thông chính thức trên mạng xã hội, như tài khoản Instagram để quảng bá du lịch, quảng bá văn hóa của thành phố, chưa có một nền tảng truyền thông chính thống để quảng bá danh hiệu Thành phố Sáng tạo.

Bởi thế, để phát triển văn hóa sáng tạo của Hà Nội, đầu tiên cần quảng bá tốt các không gian văn hóa sáng tạo, địa điểm nghệ thuật của thành phố, cũng như danh hiệu Thành phố Sáng tạo được UNESCO công nhận. Thay vì chỉ tập trung giao lưu, xây dựng sự kết nối giữa các cộng đồng sáng tạo, giữa các nghệ sĩ với nhau, chúng ta phải tìm cách tiếp cận số đông bằng mạng xã hội, trong đó giải thích được những ví dụ cơ bản về văn hóa sáng tạo để người dân có thể hiểu, và gây cho họ sự tò mò về các không gian, địa điểm ở Hà Nội, nơi họ có thể trải nghiệm thêm về văn hóa sáng tạo.

Tác giả Bùi Thị Kim Phương, Viện VHNT quốc gia Việt Nam cũng nêu, ngày nay, một bảo tàng, một nhà hát, một rạp chiếu phim, một trung tâm triển lãm... đương nhiên đều phải làm việc như một doanh nghiệp chứ không chỉ là một thiết chế văn hóa. Thế giới số với công nghệ là chủ đạo là một cơ hội tốt cho các thiết chế văn hóa trong việc cải tổ cơ cấu, phương thức hoạt động, phát triển sản phẩm và tương tác với khách hàng, đồng thời cũng đem lại không ít thách thức đối với các đơn vị không chịu thay đổi./.

Tin cùng chuyên mục
Vượt hơn 100 đối thủ, cô gái người Mông viết nên câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ

Vượt hơn 100 đối thủ, cô gái người Mông viết nên câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ

Bằng niềm tin vào bản thân và khao khát mang bản sắc văn hoá dân tộc Mông đến với mọi người, Giàng Tuyết Tình, Hoa khôi cuộc thi “The Charming Beauty - Duyên dáng Thanh niên Yên Bái 2024” đã từng bước khẳng định mình và lan toả năng lượng sống tích cực cho những bạn trẻ vùng cao.