Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bước phát triển mới ở An Lão

Thành Nhân - 10:39, 29/05/2020

An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định với gần 40% dân số là đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2009 - 2019, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện đã được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất và an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn miền núi ngày một khởi sắc.

Chương trình xây dựng đường bê tông nông thôn giúp cho bộ mặt nông thôn, miền núi An Lão ngày càng nhiều khởi sắc
Chương trình xây dựng đường bê tông nông thôn giúp cho bộ mặt nông thôn, miền núi An Lão ngày càng nhiều khởi sắc

Theo báo cáo của huyện An Lão, trong hơn 10 năm, huyện được ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 397,7 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 161 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, dân dụng... Nhờ đó, 100% khu dân cư, bản làng có điện lưới quốc gia phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và có đường bê tông đến tận thôn, xóm. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. 

Các địa phương trên địa bàn đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh từng vùng, áp dụng khoa học - kỹ thuật; thực hiện 26 mô hình khuyến nông - khuyến lâm. Điển hình như các mô hình nuôi cá chình, trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật, nuôi gà sinh học, duy trì và phát triển đàn heo đen tại địa phương… 

Giai đoạn 2009 - 2019, huyện đã giao khoán 22.737,7ha diện tích rừng cho 2.169 hộ bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy.

Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện An Lão, cho biết: Cơ cấu sản xuất chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp của huyện những năm gần đây tương đối ổn định. Tiềm năng phát triển ngành Chăn nuôi của huyện còn rất lớn. Quỹ đất các xã, thị trấn quản lý còn nhiều. Nguồn lao động nông thôn dồi dào. Khả năng khai thác các nguồn vốn để đầu tư cho ngành Chăn nuôi khá phong phú. Vì vậy, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng thâm canh, bán thâm canh là phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn 2, thị trấn An Lão rộng hơn 4ha, trồng keo lai giống, các loại rau củ, kết hợp chăn nuôi heo rừng, gà... là một điển hình. Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, canh tác và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên trang trại của gia đình bà phát triển ổn định, thu nhập hằng năm hơn 200 triệu đồng. Gia đình bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong việc phát triển mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định.

Hay gia đình anh Đinh Văn Thảo, dân tộc H’rê, ở thôn 2, xã An Hưng, tham gia mô hình nuôi gà an toàn sinh học, nuôi 200 con gà ta thả vườn. Anh Thảo chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học, dễ làm, hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ đàn gà nuôi khỏi dịch bệnh; tỷ lệ gà nuôi sống đạt 98%. Gia đình còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như lúa, bắp và rau xanh bổ sung thêm thức ăn nên gà mau lớn, lợi nhuận cũng cao hơn.

Cùng với kinh phí từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã đồng hành và hỗ trợ về nguồn lực cho huyện An Lão. Thời gian qua, các đơn vị đã hỗ trợ hơn 51,8 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân trên địa bàn. Toàn huyện đã có 819 nhà ở được hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới…