Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Buôn bán tôm hùm đất, mức phạt tối đa là bao nhiêu?

Minh Nhật - 15:55, 14/06/2024

Màu sắc bắt mắt, lại theo trend các nền tảng mạng xã hội quảng bá, khiến tôm hùm đất dù bị cấm nhập khẩu vẫn bị thẩm thấu vào thị trường và tạo ra sự lo ngại những hệ lụy. Theo Điều 246, Bộ Luật Hình sự năm 2017, người vận chuyển hoặc phát tán trái phép động vật, thực vật ngoại lai xâm hại, hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ gây hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Tôm hùm đất, loài động vật ngoại lai nguy hại cho nông nghiệp
Tôm hùm đất, loài động vật ngoại lai nguy hại cho nông nghiệp

Những ngày gần đây, tôm hùm đất từ Trung Quốc tràn sang chợ Việt bán với giá 360.000 - 400.000 đồng/kg. Theo một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ đông lạnh tại Hà Nội, do nhu cầu thị trường khách mua nhiều nên cửa hàng đã nhập về để bán mà không biết thông tin mặt hàng này đang bị cấm. Hàng tươi sống được đóng sẵn vào túi lưới, sau đó cho vào thùng xốp có đá lạnh về Việt Nam qua đường cửa khẩu, khách mua có thể được giao hàng tại nhà, lấy nhiều có thể thả bể nuôi ăn dần.

Dù đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo chủ các cửa hàng hải sản, giá loại này đang đắt hơn tôm sú, càng và tôm bạc của Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Không chỉ các mặt hàng tôm hùm đất tươi sống hoặc xông nhiệt cấp đông, các mặt hàng chế biến sẵn cũng được bày bán nhan nhản trên chợ mạng. Thông thường, 1 set tôm hùm đất 0,75kg được đóng hộp, quảng bá chế biến sẵn, vừa ngon, vừa tiện lợi chỉ cần quay lò vi sóng mấy phút thì có thể dùng ngay được luôn và có giá 120.000 – 150.000 đồng/1 set.

Như vậy, dù đã bị đưa vào danh mục cấm nhập khẩu 10 năm nay, nhưng tôm hùm đất, loài động vật ngoại lai nguy hại cho nông nghiệp vẫn được chào bán công khai trên mạng và ngay tại các cửa hàng thủy sản.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Chúng có tên trong phụ lục 2 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Cục Thủy sản không cấp phép cho bất cứ cơ sở nào nhập vào Việt Nam, hàng bán trên mạng là hàng nhập lậu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, tôm hùm đất có tên khoa học là Procambarus clarki. Loại tôm này có tên trong Phụ lục 2 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2018.

Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - ban hành kèm theo Nghị định số 26 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo các chuyên gia thuỷ sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành Nông nghiệp. Bởi tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C.

Một số chuyên gia ngành Thuỷ sản cảnh báo, tôm hùm đất có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ ăn sạch rau màu, thậm chí chúng còn ăn cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. Do đó, cần kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán loại sinh vật ngoại lai này ngay từ biên giới.

Theo Điều 246, Bộ Luật Hình sự năm 2017, người vận chuyển hoặc phát tán trái phép động vật, thực vật ngoại lai xâm hại, hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ gây hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, thế nhưng, nhiều người dân không nắm được, vẫn bất chấp lợi nhuận, bán tràn lan trên mạng, thậm chí lập cả hội nhóm công khai.


Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.