Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cà Mau: Chú trọng giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS

Như Tâm - 02:01, 30/08/2024

Giai đoạn 2024 – 2029, tỉnh Cà Mau phấn đấu giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS toàn tỉnh từ 2%/năm trở lên; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS của các xã khu vực III và ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS giảm từ 2,5%/năm trở lên. Đây là một trong những chỉ tiêu được thông qua tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ IV – năm 2024 vừa được tổ chức ngày 27/8.

(BÀI CHUYEN ĐỀ CÀ MAU) Cà Mau: Chú trọng giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS
Tại Đại hội Đại biểu DTTS lần thứ IV – năm 2024, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2029, vùng DTTS của tỉnh không còn địa bàn đặc biệt khó khăn. (Trong ảnh: Ngã ba sông Trẹm, huyện Thới Bình - Ảnh tư liệu)

Bảo đảm giảm nghèo bền vững

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ IV – năm 2024 là sự kiện chính trị quan trọng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động thể hiện niềm tin của cộng đồng các DTTS vào sự phát triển của tỉnh. Đại hội đã tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh trong 5 năm qua (2019 – 2024) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc 5 năm tiếp theo (2024 – 2029).

Một trong những mục tiêu được tỉnh Cà Mau đặt ra tại Đại hội lần thứ IV là phấn đấu giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS toàn tỉnh từ 2%/năm trở lên; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS của các xã khu vực III và ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS giảm từ 2,5%/năm trở lên; thấp hơn mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

Sở dĩ Cà Mau đặt chỉ tiêu dưới mức của Chương trình MTQG 1719 là nhằm bảo đảm công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh đạt được mục tiêu bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giải quyết các vấn đề cấp bách ở vùng “lõi nghèo” của tỉnh để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, hạn chế tình trạng nghèo phát sinh.

Điều này đã được Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu rõ tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV – năm 2024 ngày 27/8. Ông Hải chỉ rõ, giai đoạn 2019 – 2024, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu, nhưng công tác  giảm nghèo vùng DTTS chưa thực sự bền vững.

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên: Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 54,4 triệu đồng, tăng 1,51 lần so với năm 2019. Hộ nghèo DTTS cuối năm 2023 chỉ còn 713 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,09% trong tổng số hộ DTTS trên địa bàn tinh.

“Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm đáng kể nhưng có thể tái nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trình độ học vấn còn thấp, nhất là sau đại dịch Covid - 19; một bộ phận người lao động là đồng bào các DTTS rơi vào cảnh việc làm bấp bênh, bị mất việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn”, ông Hải lưu ý.

Thực tế cũng cho thấy, hộ nghèo phát sinh đang là thách thức trong giảm nghèo bền vững của tỉnh Cà Mau, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng DTTS. 

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, so với năm 2022, hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.344 hộ nghèo phát sinh ở khu vực nông thôn (khu vực này chỉ có 23 hộ tái nghèo). 

Cùng với đó, khu vực nông thôn của tỉnh có thêm 1.112 hộ cận nghèo phát sinh (khu vực này chỉ có 58 hộ tái cận nghèo).

Để giảm nghèo bền vững, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV – năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải yêu cầu, thời gian tới cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS nhằm từng bước phát triển toàn diện, vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh; trọng tâm là các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719.

(BÀI CHUYEN ĐỀ CÀ MAU) Cà Mau: Chú trọng giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS 1
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa Người có uy tín trong đồng bào DTTS để góp phần xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt. (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thăm và động viên Ban Quan trị chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình)

“Trước tiên là đầu tư cho phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, các công trình nước sinh hoạt; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên DTTS; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường. Vận động các hộ nghèo đề cao ý thức vươn lên, chăm lo lao động để thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng”, ông Hải đề nghị.

Không còn địa bàn đặc biệt khó khăn

Theo báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV – năm 2024, giai đoạn 2021 – 2025, vùng DTTS của tỉnh có 05 xã khu vực III (với 22 ấp, khóm đặc biệt khó khăn) và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III. Ngoài ra, tỉnh vừa được bổ sung thêm 32 ấp, khóm có đông đồng bào DTTS theo Quyết định số 497/QĐ-UBDT, ngày 30/7/2024 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Tại Đại hội lần thứ IV – năm 2024, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2029, vùng DTTS của tỉnh không còn địa bàn đặc biệt khó khăn. Như vậy, tỉnh Cà Mau đặt chỉ tiêu giảm địa bàn đặc biệt khó khăn sớm hơn lộ trình được Quốc hội khóa XIV quyết nghị tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chương trình MTQG 1719 của cả giai đoạn 2021 – 2030 (đến năm 2030 cơ bản không còn địa bàn đặc biệt khó khăn).

Tôi tha thiết kêu gọi Người có uy tín tiếp tục đem nhiệt huyết, công sức của mình, tích cực vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo; góp phần xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt”.
Ông Nguyễn Tiến Hải
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau

Để thực hiện mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực khác để tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng DTTS của tỉnh; duy trì 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 85% đường liên ấp được bê tông hóa, cứng hóa...

“Cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung giải quyết tốt chính sách lao động và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững”, ông Hải lưu ý.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, cùng với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì ý chí vươn lên của đồng bào các DTTS là yếu tố có ý nghĩa quyết định để giảm nghèo bền vững cũng như hoàn thành mục tiêu không còn địa bàn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, coi trọng việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, nêu gương “Người tốt việc tốt” nhằm tạo động lực phấn đấu, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đồng bào các DTTS.

“Giai đoạn 2019 – 2024, qua các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến là đồng bào các DTTS có cách làm hay, mô hình hiệu quả trong lao động, sản xuất, công tác và học tập, được các cấp thẩm quyền khen thưởng và nhân rộng. Từ đó, tạo sức lan tỏa và động lực để nhiều gia đình đồng bào DTTS chăm lo lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, ông Hải cho biết.

(BÀI CHUYEN ĐỀ CÀ MAU) Cà Mau: Chú trọng giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS 3
Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. (Trong ảnh: Mô hình trồng rau màu, nuôi cá nước ngọt giúp người dân ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm Bắc - xã đặc biệt khó khăn của huyện Đầm Dơi, phát triển kinh tế - Ảnh tư liệu)

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đồng thời kêu gọi đội ngũ Người có uy tín tiếp tục tích cực vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo; không tin, không nghe, không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca đặc sắc, độc đáo; phát huy nhân cách, hồn cốt của người DTTS là thật thà, tốt bụng, chịu thương, chịu khó, trọng tình, trọng nghĩa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt.

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ IV – năm 2024 đề ra nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương vùng DTTS, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7%/năm; tỷ lệ lao động DTTS qua đào tạo trên 65%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 90%; mức thu nhập bình quân người DTTS tăng gấp 2,0 lần so với hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Cuộc điều tra 53 DTTS tại Sóc Trăng: Thu thập thông tin thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ

Cuộc điều tra 53 DTTS tại Sóc Trăng: Thu thập thông tin thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ

Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp; dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó, đồng bào DTTS là 423.000 người (chiếm 35,4% dân số của toàn tỉnh). Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị nên cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 (Cuộc điều tra 53 DTTS) trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nội dung kế hoạch phương án điều tra.