Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cà Xen hôm nay...

An Yên - 05:50, 18/03/2024

Chúng tôi cứ mãi mang theo cảm xúc về câu chuyện của những hộ dân người Mã Liềng (dân tộc Chứt) ở bản Cà Xen nộp đơn xin thoát nghèo lên xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) mới đây. Phải chăng vì thế mà quãng đường rừng 60km từ bản về trung tâm xã đã không còn xa ngái. Hẳn là do ai trong chúng tôi cũng dường như đang mải mê với ý chí, quyết tâm của bà con dân bản trên hành trình thoát nghèo dưới dãy núi Giăng Màn.

Chung tay vì vùng đất khó

Từ thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đi về bản Cà Xen những 60m đường rừng. Khỏi phải nói, một thời vì quãng đường xa ngái mà vùng đất ấy như trở nên biệt lập.

Nhớ lại quãng thời gian hơn 30 năm trước, nhiều người vẫn chưa hề quên đi một kí ức buồn. Ấy là câu chuyện của người Mã Liềng sống du canh, du cư, ở trên các sườn núi quanh dãy Giăng Màn; cứ khoảng 2 đến 3 mùa rẫy khi đất đai nghèo kiệt, bà con lại kéo nhau đi tìm mảnh đất màu mỡ mới để khai hoang trồng lúa, trồng ngô và săn bắn, hái lượm. Cuộc sống nay đây, mai đó, nghèo đói, bệnh tật và nạn hôn nhân cận huyết khiến tộc người này đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Năm 1993 đã trở thành một dấu mốc trọng đại trong cuộc sống của người Mã Liềng, khi  Nhà nước triển khai thực hiện Chương trình định canh định cư, xây nhà ở, trường học, trạm y tế… rồi kiên trì vận động người dân rời núi ra định cư ở các thôn bản. Tuy nhiên, lối sống du cư đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào, nên việc vận động được họ làm quen với cuộc sống mới không hề đơn giản.

Vậy là, các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng… đã cùng vào cuộc, đồng hành, sẻ chia, giúp đỡ để người dân bản Cà Xen sớm bắt nhịp với cuộc sống mới.

Nhằm giúp người dân thích nghi với nơi ở mới, Nhà nước còn xây nhà ở cho bà con theo đúng mẫu nhà sàn truyền thống phù hợp với tín ngưỡng của người Mã Liềng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ xây cầu, làm đường bê tông vào các bản; xây nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, đập thủy lợi phục vụ sản xuất…

Ngoài chỗ ở và hạ tầng cơ sở được đảm bảo để phục vụ cuộc sống; chính quyền các cấp đã rất quan tâm đến việc tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Một cuộc tham quan, học tập mô hình định cư của người Vân Kiều đã được triển khai thực hiện. Cùng với đó là hỗ trợ người dân khai hoang đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, phân bón đồng thời cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật để giúp bà con tự sản xuất… Nhờ vậy, ý thức của đồng bào trong việc xây dựng cuộc sống đã thay đổi, đồng bào Mã Liềng ở bản Cà Xen không ngừng nỗ lực vươn lên, chủ động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Người dân Cà Xen làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất
Người dân Cà Xen làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất

Trưởng bản Cà Xen Hồ Xuân tâm sự: Đến mùa vụ là bà con tự giác đi làm đồng, tự bỏ tiền thuê máy phay đất. Còn cán bộ xã chỉ đôn đốc, hướng dẫn kĩ thuật thôi, không phải làm thay như trước nữa. Ý thức về phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống của bà con đã thay đổi nhiều lắm rồi.

Không chỉ biết làm ruộng, đồng bào Mã Liềng ở bản Cà Xen bây giờ còn biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn và trồng rừng để nâng cao thu nhập. Hiện cả bản có 4,6ha lúa nước, khoảng 80 con trâu bò, hàng chục con heo và 2.000 con gia cầm các loại. Người dân trong bản cũng đã trồng được khoảng 50ha rừng…

Hiện bản Cà Xen có một số lao động đi làm việc ở các công ty, xí nghiệp, có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng; nhiều người dân đi rừng lấy mây, mật ong và các sản phẩm phụ khác từ rừng để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Kinh tế khá lên, người dân bản Cà Xen cũng ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, vận động con em đến lớp đầy đủ. Từ bậc THCS trở xuống, không em nào bỏ học giữa chừng, bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Những lá đơn của  lòng tự trọng

Trong câu chuyện với vị chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm, chúng tôi được biết tỷ lệ hộ nghèo ở Cà Xen còn rất cao.
Cuối năm 2022, bản Cà Xen có 96,49% hộ nghèo. Sau một năm nỗ lực phấn đấu, cuối năm 2023 có hai hộ tự nguyện làm đơn thoát nghèo là Hồ Chí Thành và Hồ Bợt, hiện tỷ lệ hộ nghèo của bản Cà Xen là 92,98%.

Ông Hồ Bợt đã có những vụ lúa bội thu từ cần cù, chăm chỉ làm ăn
Ông Hồ Bợt đã có những vụ lúa bội thu từ cần cù, chăm chỉ làm ăn

Cũng phải thôi, cứ nhìn vào địa thế vùng đất, nhìn vào lịch sử hình thành bản làng, cũng đã nói rõ điều ấy. Bản Cà Xen hiện có gần 57 hộ đồng bào Mã Liềng, nằm cách trung tâm huyện 60km đường rừng; đời sống bà còn chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi, bảo vệ rừng…

Dẫu vậy thì người dân nơi đây chưa bao giờ thôi cố gắng. Cứ nhìn vào những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của người dân, là đủ đã minh chứng cho điều ấy.

Trong những “cánh chim đầu đàn” ở bản Cà Xen, không thể không nhắc tới ông Hồ Bợt và Hồ Chí Thành. Dẫu cuộc sống gia đình còn rất khó khăn, nhưng cả hai đã thể hiện quyết tâm vươn lên bằng việc nộp xin ra khỏi hộ nghèo.

Hồ Bợt năm nay mới 55 tuổi nhưng vì cuộc sống lam lũ nên nom có vẻ già hơn trước tuổi. Nhưng bù lại, người đàn ông Mã Liềng có nước da đen giòn lại rất rắn rỏi, như cây lim, cây táu trên dãy Giăng Màn. Có đất sản xuất, có kiến thức, có sức khỏe…, ông Hồ Bợt  nghĩ: mình không thể mãi đói nghèo như vậy được, phải thoát nghèo thôi.

Nghĩ là làm, ông đã viết lá xin ra khỏi hộ nghèo rồi nộp lên chính quyền xã Thanh Hóa. Ông Bợt trải lòng: Tôi không muốn ỷ lại chính quyền nữa nên đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Nhà tôi đang làm 5 sào ruộng, hằng ngày vào rừng lấy mây, mật ong, măng về bán cũng cho thu nhập khá, cuộc sống đã dần ổn định hơn. Tính ra, mỗi vụ nhà tôi cũng có gần 2 tấn lúa đấy, đủ ăn cho cả năm.

Trong khi đó, ông Hồ Chí Thành cũng tâm sự: Dù gia đình chưa dư giả gì nhưng so với các hộ khác trong bản thì cuộc sống ổn định hơn. Bản thân mình lại là Đảng viên, Bí thư Chi bộ bản Cà Xen nên phải gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế. Nghĩ vậy nên tôi đã viết đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, nhường lại hỗ trợ cho hộ khó khăn hơn.

Người dân bản Cà Xen tham gia buổi tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ pháp lý để nâng cao nhận thức và hiểu biết bản thân
Người dân bản Cà Xen tham gia buổi tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ pháp lý để nâng cao nhận thức và hiểu biết bản thân

Rồi ông Thành hồ hởi: Nhà tôi đang làm 8 sào ruộng, 4ha rừng keo và nuôi 8 con trâu, 4 con bò, nên kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Còn ông Nguyễn Hữu Tâm - Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa thì rạng rỡ hơn: Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng bà con dần có ý thức để vươn lên trong sản xuất, đời sống. Hành động của những hộ dân như ông Bợt, ông Thành là tấm gương sáng để các hộ dân trong bản noi theo. Chúng tôi rất hoan nghênh, trân trọng và sẽ tiếp tục giúp đỡ, đồng hành để các hộ dân này thoát nghèo bền vững. Trong nhiệm vụ phát triển chung, địa phương đã có những kế hoạch cụ thể để tiếp sức cho người dân Cà Xen trên hành trình thoát nghèo.

Cũng là lời ông Tâm, việc thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống, sản xuất cho đồng bào ngày càng được quan tâm hơn. Địa phương đã và đang phối hợp với các đơn vị, tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người dân. Đồng thời lập kế hoạch, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đập, kênh mương thủy lợi, đường giao thông… để phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con Cà Xen.

Trong miên man niềm hứng khởi về những dự định mà vị lãnh đạo xã trao đổi, câu chuyện của những người dân vượt khó vươn lên ở bản Cà Xen càng khiến chúng tôi thêm tin tưởng. Một tương lai mới tươi đẹp chắc chắn sẽ không còn xa ngái với người dân Cà Xen.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.