Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Du lịch vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình đang “cất cánh”

Phạm Tiến - 03:19, 29/01/2024

Dãy Trường Sơn hùng vỹ chạy dọc tuyến biên giới Việt-Lào đoạn qua địa phận Quảng Bình có nhiều danh thắng nổi tiếng như Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Suối nước Moọc; Hang Tám cô… Đây cũng là địa bàn cư trú của đồng bào Bru-Vân Kiều, Chứt… có nét văn hóa đậm đà bản sắc. Đó là những lợi thế và điểm nhấn để ngành Du lịch vùng DTTS ở Quảng Bình “cất cánh”.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm nhấn giúp ngành Du lịch Quảng Bình ""cất cánh"
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm nhấn giúp ngành Du lịch Quảng Bình "cất cánh"

Tiềm năng du lịch từ khai thác văn hóa các DTTS 

Nhiều du khách thường có suy nghĩ, Quảng Bình là địa danh đi liền “đặc sản” nắng gắt, cát trắng và gió Lào. Thế nhưng, tiềm năng đối với ngành Du lịch Quảng Bình là dãy Trường Sơn hùng vỹ. Nơi đó có những cảnh quan như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, suối nước Moọc…đặc biệt là nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các DTTS thu hút du khách, góp phần làm cho ngành Du lịch vùng đồng bào DTTS “cất cánh”.

Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 ước đạt hơn 4,5 triệu lượt người, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt người, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt hơn 5.096 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Bình có 2 DTTS chính là dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt, với 5.607 hộ, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Bên cạnh đó còn có một số đồng bào DTTS khác như Mường, Tày, Thái… sinh sống. Tuy đồng bào các DTTS ở Quảng Bình có dân số không nhiều, nhưng lại phân thành nhiều tộc người. Trong đó, có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như ARem, Rục (Chứt); Khùa, Ma Con, Trì (Bru-Vân Kiều) nên có sự phong phú về văn hóa truyền thống. Đó là tiềm năng lớn để ngành Du lịch phát triển được nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.

Hiện nay, ở Quảng Bình có trên 40 sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đang khai thác bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch. Trong đó phải kể đến những lễ hội lớn thu hút lượng khách du lịch lớn như: Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. 

Đặc biệt là lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Cả 3 Lễ hội này đều đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản nói trên, góp phần quảng bá những giá trị vǎn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình.

Du lịch vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình “cất cánh” 1
Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương có hai DTTS chính là Bru-Vân Kiều và Chứt. Mỗi DTTS đều có những giá trị văn hóa độc đáo riêng. Đồng bào ở đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực rất thích hợp và lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Cảnh quan miền núi đang thu hút khách du lịch

Đông Trường Sơn đoạn Quảng Bình, phần lớn là địa bàn cư trú của đồng bào các DTTS. Nơi đây có không khí trong lành, đặc biệt là suốt chiều dài từ Bắc vào Nam có vô số cảnh sắc đẹp đến nao lòng. Những lợi thế không thể cạnh tranh này, đã làm cho ngành Du lịch Quảng Bình nói chung và du lịch vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình nói riêng có những bước phát triển vượt bậc.

Du lịch vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình “cất cánh” 2
Hang động Sơn Đoòng đã trở thành điểm du lịch nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới

Không thể không nhắc đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đây là địa điểm du lịch nổi tiếng không những trong nước mà đã vươn ra tầm quốc tế. Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ sinh thái vô cùng phong phú. Với kiến tạo địa chất độc đáo, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có hệ thống hang động kỳ bí. 

Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 ước đạt hơn 4,5 triệu lượt người, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt người, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt hơn 5.096 tỷ đồng.

Trong đó, Sơn Đoòng được xác nhận là hang động lớn nhất thế giới cho đến hiện tại. Cùng với cách quảng bá những thế mạnh về du lịch mà Quảng Bình đã và đang triển khai, điểm du lịch hang Sơn Đoòng đã thu hút được hàng triệu du khách trong và ngoài nước. 

Điều đặc biệt nữa là trong vùng lõi có tộc người Arem (dân tộc Chứt) sinh sống lâu đời. Cùng với việc định cư lâu đời ở đây, cư dân Arem gần như bảo tồn nguyên vẹn phong tục tập quán của mình. Để rồi, những nét đẹp văn hóa, độc đáo về ẩm thực của đồng bào Arem mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ.

Nằm sát bên đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây, suối nước Moọc ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), được ví là thiên đường của nhân gian. Đến với suối nước Moọc, bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời, hùng vĩ nơi đây. Suối nước Moọc nằm ẩn mình trong thảm thực vật phong phú, với rừng cây, vách đá dựng đứng phủ kín một màu xanh. Không gian thiên nhiên đậm chất núi rừng của nơi đây thật khiến con người ta như tháo gỡ được mọi muộn phiền, cảm giác an yên thư thái.

Du lịch vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình “cất cánh” 3
Điểm du lịch khe nước Moọc (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) trở thành điểm đến thu hút du khách trong bản đồ du lịch vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình

Cùng với cảnh sắc tuyệt đẹp, ở suối nước Moọc còn tổ chức các hoạt động vui chơi thể thao ở đây như: đua bơi, chèo thuyền kayak, câu cá, đu dây,... Đêm đến, du khách có thể thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc của đồng bào Bru-Vân Kiều. Những điệu hò, làn điệu truyền thống của đồng bào sẽ đưa bạn du dương khắp núi rừng Trường Sơn hùng vỹ.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình một Đông Trường Sơn đầy cảnh sắc. Cùng với nét chân chất và nền văn hóa đậm đà bản sắc của các DTTS ở đây đã và đang từng ngày làm cho ngành Du lịch địa phương “cất cánh”. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.