Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Các điểm trường lẻ vùng cao bộn bề khó khăn trước thềm năm học mới

Thiên An - Mỹ Dung - 14:40, 29/08/2022

Năm học mới đã cận kề, nhưng các điểm trường lẻ vùng núi trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn còn chồng chất khó khăn. Nhiều điểm trường lẻ cách trường trung tâm hàng chục km, đường đi trắc trở, phòng học tạm bợ và các trường không thể tổ chức ăn bán trú…


Điểm trường lẻ trường mầm non xã Vân An, huyện Chi Lăng
Để đến được điểm trường lẻ trường Mầm non xã Vân An, huyện Chi Lăng, có em nhỏ phải đi 4-5 tiếng mới tới trường

Thiếu thốn trăm bề!

Từ trung tâm thị trấn Đồng Mỏ, trên con đường lầy lội bùn đất, chúng tôi tới được trường Tiểu học & THCS Liên Sơn, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng. Được biết, giao thông ba thôn của xã Liên Sơn hiện bê tông hóa 70%, nhưng vào mùa mưa, sạt lở đất,  học sinh đa phần phải đi bộ khoảng 5-6 km đến trường.

Em Vi Thị Sơn, lớp 7A, trường THCS Liên Sơn cho biết: “Đường xa mùa khô còn đi được xe đạp, chứ mùa mưa đến, chúng em phải đi bộ. Mà thấy cũng sợ lắm, nhưng biết làm sao được”.

Thậm chí, theo thời gian, phòng học, khu nhà vệ sinh đã xuống cấp rất nhiều. Ngay cả tường bao, nhà để xe, phòng để thiết bị, sân bãi tập, hệ thống sân khấu... cho học sinh gần như không có. Thầy Phạm Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng trường THCS Liên Sơn cho biết: "Phòng Hiệu trưởng và Hiệu phó cũng chưa có, chúng tôi tận dụng hai phòng học làm nơi làm việc".

Ngay cả các điểm trường lẻ của các trường Mầm non cũng gian nan lắm! Sau đoạn đường đi được bằng ô tô, chúng tôi xuống đi bộ đến điểm trường lẻ của trường Mầm non xã Vân An. Điểm trường cách thị trấn Đồng Mỏ khoảng 50 km, nằm sâu trong cung đường đèo núi nhỏ hẹp quanh co. Trò chuyện cùng một số giáo viên của trường, được biết, nhà của mỗi em học sinh ở đây nằm ở một quả đồi, đi bộ phải mất khoảng 4-5 tiếng. Đường vào trường dốc đứng, trời mưa còn lầy lội, sạt lở khiến cả người lớn cũng "hụt hơi". Bao năm qua, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn nhiều, gần như là không có,  chưa có nước (phải dùng nhờ nhà dân), chưa có tường rào, sân chơi chưa đổ bê tông, vệ sinh chưa khép kín…

Chia sẻ về những khó khăn của trường, cô Vi Thị Ít, Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi: "Sáng đưa đến trường, trưa đón về ăn cơm, chiều lại đón về, rất vất vả cho phụ huynh, trẻ cũng không có thời gian nghỉ trưa. Nhà trường, phụ huynh mong mỏi trẻ được ăn bán trú nhưng điểm trường chưa đủ điều kiện tổ chức".

Tại trường mầm non xã Bắc Thủy, mỗi mùa mưa, mùa bão lại dấy nên nỗi lo của thầy trò nơi đây, bởi những mái phòng học xuống cấp, dột nát. Cô Ninh Thanh Hoà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã cố gắng khắc phục tình hình, bằng cách mua bạt che ở dưới mái, lót sàn bằng cao su để nền nhà khỏi bị ẩm ướt. "Chúng tôi đều mong mỏi có ngôi trường khang trang đảm bảo an toàn cho trẻ đến lớp, khỏi nơm nớp lo vào mùa mưa bão", cô Hoà giãi bày.

Đường vào điểm trường THCS Liên Sơn sạt lở đất mùa mưa
Đường vào điểm trường THCS Liên Sơn thường bị sạt lở đất mỗi khi vào mùa mưa đi lại rất khó khăn

Nhiều phụ huynh “ngại” đưa con tới trường!

Nhưng gian nan đâu chỉ vậy! Bên cạnh điều kiện lớp học thiếu thốn, việc vận động phụ huynh đưa trẻ 3-5 tuổi đến trường cũng không dễ dàng.

Phụ huynh học sinh của trường Mầm non xã Vân An, chủ yếu là dân tộc Nùng, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc quan tâm đến giáo dục chưa cao, bà con mải lên nương làm mà ngại đưa con tới trường.

Cô Lý Thị Toán, Phó hiệu trường Mầm non xã Vân An chia sẻ: "Phụ huynh hầu như đi làm nương cả ngày mới về nên nhiều khi chúng tôi phải đến mấy lần mới gặp, mong động viên được phụ huynh cố gắng để tạo điều kiện cho con được tới trường”.

Hiện tại, toàn huyện có 62 đơn vị trường thuộc 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở với 85 điểm trường lẻ. Trong đó, một số phòng học đã xuống cấp không đảm bảo an toàn, học sinh phải đi học nhờ ở một số nhà văn hoá thôn.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành, bà Vi Thị Thu Hường, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chi Lăng cho biết: "Vì nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, hạn hẹp; mức thu nhập của người dân còn thấp nên chưa thể đầu tư một lúc được nhiều điểm trường. Về tổ chức ăn bán trú, đường đi lại khó khăn nên không thể đưa cơm được trong ngày và nấu ăn tại trường".

Trước thực tế này, Nhà trường hi vọng, chính quyền vào cuộc phối hợp vận động phụ huynh, các nhà hảo tâm góp công, góp sức khắc phục, cải tạo, xây mới một số hạng mục, nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho việc giảng dạy để chuẩn bị cho năm học mới 2022 – 2023.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.