Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cách giữ rừng của người Thái ở Con Cuông

Thanh Hải - 08:04, 18/04/2022

Những căn nhà sàn khang trang, vững chắc được dựng lên bằng bê tông, cốt thép đang dần thay thế những căn nhà được làm bằng gỗ là thực tế khá phố biển hiện nay ở nhiều bản làng tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Dù nhà sàn bằng bê tông có thể không như mong muốn, nhưng đó là cách mà người Thái ở Con Cuông giữ rừng rất hiệu quả, đồng thời vẫn giữ gìn được nét văn hóa, phong tục tập quán sống trong những mái nhà sàn


Người dân huyện Con Cuông đang dần thay nhà sàn truyền thống gỗ bằng bê tông
Người dân huyện Con Cuông đang dần thay nhà sàn truyền thống gỗ bằng bê tông

Truyền thống vẫn được gìn giữ

Làm nhà sàn bằng gỗ để ở là truyền thống bao đời của người Thái ở Nghệ An. Thế nên, nhà sàn không chỉ là nơi để ở, mà còn là nơi thuận tiện nhất trong không gian tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào Thái. Để có được một ngôi nhà sàn 3 gian, hai hồi, kiến trúc đúng phong tục truyền thống của người Thái, đòi hỏi rất nhiều gỗ. Gỗ càng quý thì nhà sàn càng đẹp và mất rất nhiều thời gian chạm trổ công phu, tạo hình.

Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng cạn kiệt nên giá cả đắt đỏ. Mặt khác, các khu rừng đều có chủ trông coi, bảo quản; Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa rừng, nên việc lấy gỗ làm nhà đối với bà con không còn dễ như trước.

Để khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng nhà, nhiều xã tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã vận động người dân xây dựng nhà sàn bằng bê tông, cốt thép thay cho gỗ truyền thống. Nhìn từ bản Nam Sơn, xã Chi Khê, huyện Con cuông, câu chuyện người dân làm nhà sàn bằng bê tông, cốt thép dường như đã là một phong trào tự giác. Đến nay, bản Nam Sơn đã có đến 95% hộ dân làm nhà sàn bằng bê tông, cốt thép thay thế nhà sàn bằng gỗ truyền thống.

Anh Vi Văn Dũng, người dân bản Nam Sơn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông bảo: Người Thái thích ở nhà sàn. Nay nguồn nguyên liệu gỗ hiếm nên bà con đã chuyển sang vật liệu bê tông, cốt thép. Giá cả ngôi nhà rẻ hơn 3-4 lần so với nhà sàn bằng gỗ truyền thống. Ngôi nhà không chỉ chắc chắn, mà còn đảm bảo được nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Thái.

Trung bình một ngôi nhà sàn bằng gỗ “ngốn” 6-10m3. Trong khi nhà sàn bằng bê tông, cốt thép rẻ hơn 3-4 lần. Theo người Thái, để dựng được một nhà sàn bằng gỗ từ 8 - 14 cột phải tốn từ 150 - 300 triệu đồng tiền công và tiền vật liệu, trong khi đó nếu làm nhà sàn bằng bê tông, chỉ tốn khoảng 50 - 100 triệu đồng. Đến nay, cả xã Chi Khê đã có 60% hộ dân làm nhà sàn bằng bê tông.

Ông Lô Văn Vinh, Phó Bí thư đảng ủy xã Chi Khê cho hay: Quan trọng hơn, ngôi nhà bằng bê tông có độ bền cao hơn, không sợ mối mọt, và cũng không ảnh hưởng đến tập tục thờ cúng, sinh hoạt, tín ngưỡng cộng đồng của người Thái. Vì  thế mà phong trào làm nhà sàn bằng bê tông xuất hiện trên địa bàn xã từ nhiều năm nay. Hiện tại nhiều bản trên địa bàn xã như Liên Đình, Nam Đình, Chằn Nằn… đã thay thế nhà sàn bằng gỗ truyền thống bằng chất liệu bê tông.

Câu chuyện người dân làm nhà sàn bằng bê tông vẫn phát huy được công năng sử dụng, đã lan ra nhiều xã trên toàn huyện Con Cuông. Ở vùng tả ngạn sông Lam, những xã như Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn… đã xuất hiện nhiều căn nhà sàn bằng bê tông thay thế nhà sàn bằng gỗ truyền thống.

Ông Lê Quốc Hoàng, hội viên hội văn học nghệ thuật các DTTS nghệ An cho biết: Người Thái sinh sống bằng nhà sàn từ đời cha ông để lại. Hiện nay, họ làm nhà bằng bê tông vừa giảm chi phí, vẫn đúng bản sắc của đồng bào. Tôi cho rằng, việc thay thế thói quen này cũng là cần thiết và các địa phương nên nhân rộng.

Ngôi nhà sàn bằng chất liệu bê tông ở Con Cuông
Một ngôi nhà sàn bằng chất liệu bê tông ở Con Cuông

Trả nợ với rừng

Sống nhờ rừng đã là đặc tính truyền đời của bà con các DTTS. Thế nên, không lạ gì khi người dân cứ vào rừng khai thác gỗ để làm nhà. Nguồn nguyên liệu gỗ cạn kiệt, môi trường sống bị đe dọa, cũng là lúc người dân nhận ra rằng, cần phải bảo vệ rừng để bảo vệ cuộc sống của bản làng.

Để trả nợ với rừng, bà con người Thái ở Con Cuông đã “đóng cửa rừng”, không khai thác gỗ làm nhà như trước, đồng thời tích cực trồng cây gây rừng. Nhờ những nỗ lực ấy mà tỉ lệ che phủ rừng ở Chi Khê cao ngất ngưỡng, những hơn 80%. Đó là con số rất đáng nể và tự hào.

Ông Lê Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông (Nghệ An) vui vẻ: Người dân xã Chi khê đã đi đầu trong phong trào làm nhà sàn bằng bê tông để giữ rừng. Nay phong trào đã lan mạnh ra toàn huyện Cũng vì thế mà việc quản lí bảo vệ rừng trên địa bàn Con Cuông rất tốt. Khi người dân tự giác thay đổi thói quen làm nhà sàn từ gỗ sang bê tông đã giảm áp lực rất lớn vào rừng, giảm thiểu việc phá rừng.

Sau khi sơn phủ giả gỗ, ngôi nhà vẫn có độ mềm mà còn rất đẹp
Một ngôi nhà sàn bằng bê tông cốt thép đang thi công

Những năm qua, nhiều khu tái định cư cho bà con DTTS đã được huyện, chủ đầu tư lập kế hoạch xây dựng bằng mẫu nhà sàn bê tông, cốt thép. Đó cũng đang là cách để thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bà con về rừng, về thói quen xây dựng nhà ở. Nhìn những ngôi nhà sàn bằng bê tông của đồng bào Đan Lan ở khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt thuộc xã Thạch Ngàn (Con Cuông) với sơn đỏ, mái lợp ngói trông vẫn rất đẹp mắt, hòa hợp với khung cảnh núi đồi.

Nói về công tác lưu giữ và bảo tồn nhà sàn ở huyện Con Cuông, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy thông tin: Trước thực trạng nhà sàn truyền thống của đồng bào trong huyện đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiến trúc mới, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn thật tốt các nếp nhà sàn truyền thống. Về cơ bản vẫn làm theo kiểu nhà sàn truyền thống, chỉ thay trụ gỗ bằng trụ bê tông, lợp ngói cho vững chắc. Đây là cách để giữ rừng, bảo vệ rừng.


Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.