Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lên “xứ hoa đào” miền Tây xứ Nghệ…

Thanh Hải - 16:02, 02/02/2022

Trong nắng gió, những rừng đào trụi lá, mốc thếch đã lấm tấm cánh hồng quanh những nếp nhà sàn thâm nâu nhuốm màu thời gian, khiến miền biên viễn xứ Nghệ những ngày Xuân, đẹp như một bức tranh. Dù không phải ở Đà Lạt mờ sương, nhưng lòng tôi lại rạo rực khi nghĩ về câu hát “ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa…”.

Những vườn đào nơi miền Tây xứ Nghệ đã bắt đầu bung nở
Những vườn đào nơi miền Tây xứ Nghệ đã bắt đầu bung nở

Bức tranh xuân miền biên viễn

Dưới chân đỉnh Pù Xai Lai Leng, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) nơi sinh sống của đồng bào Mông, được coi là “thủ phủ” của cây đào đá, đào rừng đẹp như một bức tranh sơn dầu.

Chao ôi, cơ man nào là đào, từ đào mới trồng đến vài ba năm, có loại đã chục năm tuổi. Đào trồng quanh nương, đào nép mình bên nhà sàn, rồi đào ở bìa rừng… Người Mông nơi đây trồng đào bất cứ nơi đâu, nếu họ thấy đất trống và bằng phẳng. Nhẩm tính, hộ trồng nhiều nhất đến hàng nghìn gốc đào còn hộ ít cũng sơ sơ vài chục gốc.

Cây đào ở vùng núi cao này, dường như nhờ sương rét khắc nghiệt, mà trở nên kiên cường hơn, từ những thân cây rêu mốc tưởng như đã chết khô, nhưng khi nắng ấm, xuân sang là cây lại bật chồi, nụ nở. Lấp loáng sau những cành đào nở sớm là san sát những ngôi nhà của người Mông, mái lợp bằng loại gỗ sa mu đã xuống màu thời gian tô điểm cho bức tranh xuân thêm nhiều màu sắc.

Khi chúng tôi hỏi: cây đào của người Mông có từ khi nào?

Già Lầu Giống Dìa nay đã hơn 60 tuổi, ở bản Ka Trên, xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng không nhớ nổi. Ông cụ bảo, người Mông trồng đào từ đời ông, đời cha, đến con cháu cứ tiếp tục như thế.

Tôi lại hỏi, vùng núi Nghệ An có đào rừng không? Cái này ông Dìa khẳng định: Không có đào rừng tự nhiên mà chỉ có đào rừng do dân trồng.

Nhiều thập kỷ trước, ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, đào có mặt ở khắp mọi nơi trên miền biên viễn này. Trong các loại cây, cây đào được người dân địa phương trồng nhiều nhất. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, đến Mường Lống, du khách sẽ được mãn nhãn với những nụ đào chúm chím đọng sương mai rồi bung nở rực rỡ dưới ánh nắng vàng.

Theo người dân bản Pà Khốm xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cây đào gắn bó mật thiết với đồng bào Mông tự bao đời. Dù không biết nguồn gốc ra sao nhưng bất kỳ ở đâu, cứ có đồng bào Mông sinh sống, làm trang trại là có cây đào. Chủ tịch UBND xã Tri Lễ huyện Quế Phong Vi Văn Cường cũng khẳng định: Xã Tri Lễ có 5 bản đồng bào Mông sinh sống, gồm: Huôi Mới, Pà Khốm, Nậm Tột, Huồi Xái, Mường Lống, thì đều có cây đào trong vườn nhà, trên trang trại. Nhưng, ở bản Huôi Mới và Pà Khốm đào được trồng nhiều hơn cả.

Sắc đào tô điểm cho bức tranh xuân miền biên viễn
Sắc đào tô điểm cho bức tranh xuân miền biên viễn

Mỗi khi đào rụng hết lá, những nụ hoa bắt đầu chớm nở cũng là lúc đánh dấu một năm đã qua, người Mông bắt đầu tổ chức Tết trên khắp các bản làng. Đồng bào Mông cứ men theo những cây đào rừng ra hoa, là đến được nhà người quen, thăm hỏi họ hàng xa gần. Chuyến đi chơi xuân kéo dài đến hàng tháng.

Cuộc sống thêm ấm no

Bao năm qua, những cành hoa ấy đã theo những chuyến xe đò từ miền núi đổ về xuôi mang theo chút hương sắc biên cương. Mỗi chuyến xe đào về xuôi là chục triệu đến hằng trăm triệu đồng, đủ cho bà con miền biên viễn một cái tết no ấm, đủ đầy.

Trong thú chơi ngày Tết, cây đào đá, đào rừng ở miền Tây xứ Nghệ có sức hấp dẫn riêng khó cưỡng. Hoa của đào thường có cánh rộng, màu hồng tươi tắn, hoa nở đều, có nhụy vàng điểm xuyết, lâu rụng và nhìn rất… hoang dại của núi rừng. Cũng phải là dân “chịu chơi” thì mới dám sở hữu một nhành đào đá rêu mốc bạc thếch đương bung nụ đón xuân.

Những ngày cuối năm, dọc theo con đường độc đạo từ ngã ba Khe Kiền chạy qua xã Nậm Càn đến Na Ngoi thuộc huyện Kỳ Sơn, hay vượt dốc Chuối lên vùng Tri Lễ, xã Nậm Nhoóng thuộc huyện Quế Phong đã thấy rất nhiều đào được bà con chặt từ trên rừng, trên nương rẫy về bày bán ở trước nhà và dọc hai bên đường.

Nằm ở độ cao hàng nghìn mét, quanh năm mờ sương với cái rét ngọt ngày đông đã tạo cho thân cây đào nhiều rêu mốc, cổ kính. Đào đá, đào rừng… của người Mông cũng vì thế mà trở nên đắt hàng hơn. Anh Xồng Bá Lẩu, ở bản Puộc Mú 1 xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cười rõ tươi: Nhà mình trồng đào cũng đã hơn 10 năm rồi. Hơn 850 gốc đào đá, đào rêu mốc, mỗi năm nhà mình thu nhập cũng gần 100 triệu đồng đấy.

Vườn đào của anh Xồng Bá Lầu bản Puộc Mú 1 xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, mỗi năm thu nhập cả 100 triệu đồng.
Vườn đào của anh Xồng Bá Lầu bản Puộc Mú 1 xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, mỗi năm thu nhập cả 100 triệu đồng.

Nhận thấy cây đào có tiềm năng kinh tế, xã Na Ngoi đã vận động dân bản trồng trên các sườn đồi, nương rẫy, vừa thuận tiện cho việc chăm sóc, chặt cành bán vào dịp cuối năm. Chủ tịch UBND xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn - Mùa Bá Giờ khoe: Toàn xã đã có hàng chục ha đào tại các bản Buộc Mú, Kẻo Bắc, Ka Nọi, Tổng Khư... Từ khi nơi đây trở thành “thủ phủ” của đào rừng, nhiều gia đình ở Na Ngoi đã thoát nghèo nhờ việc bán đào phục người dân chơi Tết.

Đến bản Pà Khốm xã Tri Lễ, chúng tôi mẩn mê với cả những rừng đào… hằng trăm triệu. Có những hộ dân đang sở hữu đến cả nghìn gốc đào như Và Giống Dê, Và Bá Đà… Bí thư chi bộ bản Pà Khốm xã Tri Lễ Xồng Già Pó chia sẻ rằng: Bản ta đang hướng đến làm du lịch sinh thái nên toàn dân quyết nghị bảo tồn các cây đào trong bản. Chỉ những cây đào trồng ở trang trại mới được phép cắt cành bán…

Thiếu nữ Mông dạo bước giữa vườn đào ngày Xuân.
Thiếu nữ Mông dạo bước giữa vườn đào ngày Xuân.

Nơi “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn) có những vườn đào, mận cổ thụ rất đẹp. Ông Lê Văn Ngôn, bản Trung Tâm, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) chủ một homestay phấn khích: Dịp Tết đến, khách tham quan, du lịch từ Hà Nội, thành phố Vinh, Đà Nẵng... về khá đông. Vườn đào đã trở thành điểm check in lý tưởng để du khách thưởng ngoạn.

Đào từ trên núi xuống, khách từ dưới xuôi lên, không khí ấy khiến cho vùng rẻo cao biên giới những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp, náo nức. Rời miền biên viễn ngày cận tết, tôi cũng muốn “mang về một cành hoa”...

Tin cùng chuyên mục
Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Là người dân tộc Bru-Vân kiều, ông Hồ Văn Lý (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đã có nhiều cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ Làn điệu dân ca, đến cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống đều được ông tận tâm truyền dạy cho người trẻ với mong muốn giữ những âm điệu tà oải, xà nớt, Ta lư...vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.