Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín giữ màu xanh cho rừng

Quỳnh Trâm - 08:44, 28/03/2022

Những năm gần đây, chứng kiến những trận lũ lụt, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của, người dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa càng ý thức sâu sắc hơn vai trò quan trọng của việc bảo vệ rừng. Trong đó, đi đầu tuyên truyền và hành động chính là những già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng DTTS ở các huyện miền núi Thanh Hóa.

Ông Hà Văn Thại, bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát) cùng lực lượng kiểm lâm đi tuần tra, bảo vệ rừng
Ông Hà Văn Thại, bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát) cùng lực lượng kiểm lâm đi tuần tra, bảo vệ rừng

Người có uy tín giữ rừng

Từng là Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), ông Hà Văn Thại sau khi nghỉ hưu theo chế độ, lại tiếp tục nhận được tín nhiệm của người dân, bầu làm Người có uy tín. Với sự mẫn cán, trách nhiệm sẵn có của một đảng viên, ông tích cực  tuyên truyền cho bà con dân bản nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Trong các cuộc họp thôn bản, nội dung phát triển rừng luôn được ông khéo léo lồng ghép để nâng cao ý thức cho người dân, tránh việc bà con thiếu hiểu biết, mà phá rừng khi làm nương rẫy. Không những thế, ông còn tích cực vận động, hướng dẫn bà con trong bản trồng, chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ bằng lời nói, mà sự gương mẫu của ông Thại còn thông qua những hành động thiết thực. Ông Thại cho biết, ông cùng với lực lượng kiểm lâm đã nhiều lần không ngại nắng mưa, giá rét đi tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng để phá rừng.

Tại thôn bản, ông kêu gọi người dân tham gia các tổ tự quản, thường xuyên xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng phân công thành viên thay nhau tuần tra, gác trực giữ vững an ninh, bảo vệ rừng.

“Rừng không chỉ cho chúng ta bầu không khí trong lành, phòng chống thiên tai, mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Thông qua việc tuyên truyền, bà con ngày càng hiểu được giá trị của rừng nên đã tích cực tham gia bảo vệ và trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc”, ông Thại nói.

Ông Hoàng Văn Quyết, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tam Chung (Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát), cho biết: “Là Người có uy tín của xã Tam Chung, nhiều năm qua, ông Thại cùng với lực lượng kiểm lâm tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong xã tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua các buổi tuyên truyền, 100% số hộ dân tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện xã Tam Chung có hơn 9.580 ha rừng, nhờ những người tích cực như ông Thại đã góp phần ngăn chặn tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn”.

Cũng như ông Thại, nhiều năm qua, ông Hà Văn Khuyên, Người có uy tín ở bản Na Hồ, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã không quản ngại khó khăn cùng lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ giữ mãi màu xanh cho rừng. Ông còn tích cực vận động, tuyên truyền bà con chấp hành Luật Lâm nghiệp, ký cam kết không vi phạm các quy định trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời vận động người thân, anh em trong dòng họ tích cực trồng, chăm sóc, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Những việc làm thầm lặng của ông Hà Văn Khuyên, bản Na Hồ, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã góp phần giữ vững an ninh rừng
Những việc làm thầm lặng của ông Hà Văn Khuyên, bản Na Hồ, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã góp phần giữ được màu xanh rừng

Lập hương ước giữ rừng

Nhiều năm qua, nhờ có hương ước bảo vệ mà rừng ở bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn không bị xâm phạm. Theo hương ước của bản "Còn rừng là còn nước, còn nước là còn những mùa vàng bội thu, rừng cho gỗ làm nhà, cho mật ong, những liều thuốc quý góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, che chắn họ trước những đợt lũ quét”.

Già làng Hà Minh Mận, bản Hậu, cho biết: Trước đây, người dân trong bản còn nghèo, chưa hiểu biết, chỉ biết khai thác rừng mà chưa biết cách bảo vệ khiến tài nguyên rừng mất dần.

“Ngày nay, nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống Nhân dân đã tốt hơn, dân trí cao hơn nên đã hiểu được vai trò quan trọng của rừng. Do đó, chúng tôi đã họp bàn và đề ra hương ước để bảo vệ rừng, mọi người cùng nhau thực hiện, khi có người vi phạm chặt phá rừng thì chúng tôi cứ theo quy định bản đề ra để xử nghiêm khắc”, ông Mận giải thích.

Hương ước cũng cấm người dân không được mang lửa vào rừng, không được chặt phá rừng, săn bắn thú rừng, không đóng đinh, đóng cọc vào cây.

Đội tuần tra của bản phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng bảo vệ rừng
Đội tuần tra của bản phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng bảo vệ rừng

Để bảo vệ rừng bản Hậu thành lập đội tuần tra bảo vệ rừng, gồm 6 thành viên thường xuyên phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, huy động Nhân dân trong bản cùng đi phát dây leo rậm rạp, cây bụi để cho cây rừng phát triển. Hiện nay, trong rừng có những cây cổ thụ 2-3 người ôm không xuể.

Trong những buổi họp bản định kỳ hàng tháng, trưởng bản không quên nhắc lại hương ước, trong đó nhấn mạnh đến các hình phạt nếu vi phạm quy định trong hương ước, quy ước để răn đe người dân.

Ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở, chúng tôi đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn giúp các thôn bản, khu phố xây dựng hệ thống quy ước giữ rừng gắn với hương ước của thôn bản. Đây là một việc làm, nhằm "mềm hóa" các quy định của pháp luật, lồng vào phong tục tập quán của bà con địa phương, do đó đã phát huy được hiệu quả bảo vệ rừng ở cơ sở. Trong đó bản Hậu, xã Tam Lư đã trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng.

Không chỉ có bản Hậu, xã Tam Lư mà hiện nay 100% các bản, khu dân cư có rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn, đã xây dựng hương ước, quy ước. Đây là giải pháp quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, phấn đấu giữ tỷ lệ che phủ rừng đạt 98% trở lên.

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.