Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cải tạo vườn tạp ở vùng cao nguyên đá Hà Giang-Kỳ vọng giảm nghèo từ một nghị quyết

Hồng Minh - 17:05, 19/03/2021

Ở vùng Cao nguyên đá Hà Giang, đá tai mèo nhiều hơn đất; bởi vậy, việc canh tác của người dân rất vất vả, kém hiệu quả. Để tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế, với kỳ vọng giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.

Người dân cải tạo vườn để chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn (Ảnh tư liệu)
Người dân cải tạo vườn để chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn (Ảnh tư liệu)

Gia đình ông Vàng Mí Hờ, thôn Há Súng, xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn) có mảnh vườn 1.200 m2. Trước đây, cũng giống như các hộ khác trong thôn, gia đình ông Hờ chỉ biết trồng rau, màu, giá trị kinh tế thấp.

Từ khi được lựa chọn làm điểm triển khai Nghị quyết 05 trên địa bàn huyện Đồng Văn, mảnh vườn nhà ông Vàng Mí Hờ đã được chính quyền địa phương giúp đỡ cải tạo. Toàn bộ diện tích trồng rau, màu trước đây được chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm (lê, đào, mận). Đây là những cây trồng được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Ông Hờ cho biết, bà con trong thôn từ xưa đến nay, chỉ biết trồng rau củ cải hoặc trồng ngô. Ngô còn giúp tăng gia sản xuất, nhưng củ cải có khi vào đúng vụ, ăn không hết, lại bỏ cả vườn; nhưng không ai muốn thay đổi để trồng cây khác. 

"Vừa qua, cán bộ xã, huyện đã đến vận động và giúp đỡ tôi cải tạo lại vườn, kè đá, san mặt bằng, trồng cây ăn quả. Cán bộ Ngân hàng chính sách huyện, giúp tôi làm thủ tục vay vốn. Đến nay, rất nhiều hộ trong thôn cũng đã dần thay đổi lối canh tác cũ, đăng ký cải tạo vườn. Ai nấy đều kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi này", ông Hờ cho biết.

Cũng giống với gia đình ông Vàng Mí Hờ, gia đình ông Vàng Dũng Cấu có 1.200 m² vườn. Trước đó, gia đình ông cũng chỉ trồng một số loại cây như: Củ cải, đậu răng ngựa, cải dầu…giá trị kinh tế thấp, lại không hợp với thổ nhưỡng nên cho năng suất cũng thấp. Khi được cấp ủy, chính quyền vận động, gia đình đã lựa chọn trồng mận tam hoa, hơn 1 tháng cây sinh trưởng tốt.

Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 6.500 mảnh vườn có thu nhập khá (Ảnh tư liệu)
Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 6.500 mảnh vườn có thu nhập khá (Ảnh tư liệu)

Được biết, Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế bền vững cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 là  Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá, được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”.

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thí điểm Đề án "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững năm 2021". Thực hiện đề án, tính đến nay đã có 356 hộ nghèo, cận nghèo của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang với 208.811 m2 diện tích vườn, được lựa chọn thí điểm các nội dung: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng cây ăn quả… 

Việc triển khai dựa trên tinh thần “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, mục tiêu đến năm 2025, có trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 mảnh vườn có thu nhập khá.

Tại huyện Đồng Văn, theo ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Nhà nước về cải tạo vườn tạp nhằm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất lâu đời của người dân, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên phạm vi toàn huyện… 

Với sự vào cuộc của chính quyền và sự hưởng ứng của người dân, hy vọng rằng, nghị quyết cải tạo vườn tạp, sẽ tạo ra sự thay đổi rõ nét trong việc đem lại hiệu quả kinh tế từ những khu vườn cằn cỗi cho người dân vùng cao nguyên đá.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng

Ngày 14/5, tại tỉnh Cao Bằng, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 làm Trưởng đoàn đã thăm, làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.