Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cam Ranh: Giữ bản sắc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc

PV - 13:01, 28/02/2022

Những năm gần đây, TP. Cam Ranh (Khánh Hoà) đã chú trọng thực hiện các hoạt động nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội…

Các thành viên đội văn nghệ của TP. Cam Ranh trình diễn trang phục truyền thống
Các thành viên đội văn nghệ của TP. Cam Ranh trình diễn trang phục truyền thống

Vắng dần trang phục truyền thống

Có dịp đến các địa phương vùng đồng bào DTTS ở TP. Cam Ranh như xã Cam Thịnh Tây và một số thôn ở xã Cam Phước Đông, Cam Thành Nam…, chúng tôi thấy sắc phục truyền thống của đồng bào Raglai nơi đây rất ít xuất hiện trong cuộc sống thường ngày. Theo ông Cao Điệp Phới, Người có uy tín ở thôn Giải Phóng (xã Cam Phước Đông), trước năm 1975, đồng bào Raglai vẫn còn rất nhiều người mang trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của người Raglai được gọi là Arí, gồm trang phục cho nam và trang phục cho nữ. Nhưng do người Raglai không dệt vải nên ảnh hưởng nhiều đến việc may trang phục truyền thống, nhất là về sau này, việc mua vải của đồng bào Chăm hoặc các dân tộc ở Tây Nguyên khó khăn do giá thành cao, nguồn cung ít. Do đó, đồng bào Raglai tự chuyển qua mặc đồ như người Kinh, lớp trẻ gần như rất ít người biết và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trên địa bàn TP. Cam Ranh có 11 dân tộc chung sống gồm: Kinh, Raglai, Ê Đê, Chăm, Hoa, Nùng, Tày, Thái, Mường, Khme..., đông nhất là người Raglai với 2.488 hộ và 10.207 người. Còn lại, mỗi dân tộc chỉ có khoảng 300 người. Mỗi dân tộc dù ít nhiều vẫn còn giữ được những nét văn hóa trong sinh hoạt, lối sống; riêng việc mặc trang phục truyền thống gần như rất ít hiện hữu trong cuộc sống. Hy hữu lắm mới thấy người dân tộc Raglai mặc trang phục truyền thống để tham gia biểu diễn đánh mã la, hay các tiết mục văn nghệ ở những hoạt động văn hóa lớn của thành phố, của tỉnh. Thực trạng này chính là thách thức lớn đối với những người trực tiếp triển khai thực hiện kế hoạch của tỉnh về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

Từng bước tìm lại bản sắc

Việc tìm lại bản sắc trang phục truyền thống các DTTS gặp rất nhiều khó khăn bởi suốt một thời gian dài, đồng bào đã để cho sắc màu văn hóa này đi vào quên lãng. Bây giờ, tìm được những người già còn nhớ được chi tiết về các bộ trang phục là điều không dễ. “Váy áo truyền thống của người Raglai xưa chỉ có 2 màu đen - trắng. Trong đó, màu đen là chủ đạo, màu trắng mang tính chất trang trí. Trang phục của đàn ông thì chỉ đóng khố đơn giản. Còn sau này, có những bộ trang phục màu đen - đỏ, thậm chí nhiều màu, nhìn thấy đẹp mắt, nhưng không đúng như trang phục của ông bà trước đây”, ông Cao Điệp Phới cho biết.

Nam nữ người Raglay vùng Khánh Sơn (Khánh Hòa) trong trang phục truyền thống. Ảnh minh họa
Nam nữ người Raglay vùng Khánh Sơn (Khánh Hòa) trong trang phục truyền thống. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Cam Ranh, để có thể tìm lại đúng bản sắc trang phục của các DTTS trên địa bàn, rất cần ý kiến đóng góp của những nhà chuyên môn cũng như người dân, qua đó có thể thiết kế, giới thiệu và ứng dụng những bộ trang phục đó trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào. Trong hơn 1 năm triển khai kế hoạch thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam giai đoạn 2020-2030, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để các cấp chính quyền, mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa này. Vào những dịp tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, địa phương cũng vận động các đội thi, đồng bào DTTS mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Trong một số liên hoan, hội diễn văn nghệ, địa phương đã đưa nội dung biểu diễn trang phục dân tộc, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc trở thành một nội dung thi. Hàng năm, các cơ quan chuyên môn của thành phố đã phối hợp với cấp có thẩm quyền thực hiện kiểm kê trang phục DTTS. Ngành Giáo dục địa phương cũng khuyến khích học sinh vùng đồng bào DTTS phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, động viên các em mặc trang phục dân tộc vào những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường; tổ chức cho học sinh trình diễn trang phục dân tộc. Các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống tăng cường hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị trang phục DTTS, nhất là dân tộc Raglai.

Để đến năm 2030, hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống đạt kết quả tốt, thành phố sẽ chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ cụ thể của đề án. Đặc biệt, chú trọng sử dụng trang phục truyền thống các DTTS vào những hoạt động văn hóa, nghệ thuật; triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường có học sinh DTTS; đưa trang phục truyền thống các DTTS vào các lễ hội văn hóa, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật... Từ đó, dần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các DTTS.


Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng, “tiếp sức” cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện mục tiêu “kép”, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để phát triển du lịch