Theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, tỉ lệ học sinh THCS người DTTS bỏ học đang giảm dần, từ 1,48% năm 2016 xuống 1,13% năm 2019 (về số lượng giảm từ 9.662 học sinh xuống 7.823 học sinh). Giữa các vùng miền, tỉ lệ học sinh bỏ học khác nhau: Trung du và miền núi phía Bắc tỉ lệ bỏ học thấp (thấp hơn tỉ lệ chung của cả nước); Tây Nam bộ và Tây Nguyên tỉ lệ bỏ học cao (cao hơn tỉ lệ chung của cả nước). Trong số học sinh DTTS cấp THCS bỏ học, thì học sinh nữ bỏ học nhiều hơn học sinh nam. Tất cả các dân tộc đều có học sinh bỏ học và tỉ lệ bỏ học khác nhau giữa các dân tộc.
Tại Hội thảo các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Hội đồng Dân tộc Quốc hội. Đồng thời, chỉ ra thực trạng, phân tích nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng học sinh bỏ học và khuyến nghị nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, như: đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; đổi mới phương pháp dạy học; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh; làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đánh giá cao các ý kiến góp ý và cho rằng, các ý kiến rất sâu sát, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi, tuy nhiên ông Giàng A Chu cho rằng, tình hình học sinh DTTS cấp THCS bỏ học vẫn còn là vấn đề nan giải, đáng được quan tâm.
Để hạn chế tình trạng học sinh DTTS cấp THCS bỏ học, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đề nghị, cần thực hiện tốt tiểu dự án về giáo dục nằm trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa được Quốc hội thông qua. Các chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi thời gian tới phải đổi mới. Tập trung rà soát lại mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, tăng cường thêm trách nhiệm của các nhà trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh DTTS…