Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cần một “cuộc cách mạng” ở Rào Tre

Thanh Nguyễn - 08:37, 20/10/2024

Trong rất nhiều những bộn bề, ngổn ngang ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), thì điều trăn trở nhất là đồng bào Chứt vẫn chưa thể tự túc được lương thực. Những hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước lâu nay… vẫn chưa đủ để vùng đất này bứt phá vươn lên. Rào Tre, đang cần một “cuộc cách mạng” mới để đổi thay.

Dù đã nhận được rất nhiều trợ lực từ các chương trình, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhưng đến hôm nay bản Rào Tre vẫn còn bộn bề khó khăn.
Dù đã nhận được rất nhiều trợ lực từ các chương trình, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhưng qua tìm hiểu, đến hôm nay bản Rào Tre vẫn còn bộn bề khó khăn

Cuộc sống bộn bề dưới chân núi Ka Day

Hàng chục năm rời hang cùng, núi thẳm ra ngoài định cư và đã nhận được rất nhiều trợ lực từ các chương trình, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhưng đến hôm nay bản Rào Tre vẫn còn bộn bề khó khăn.

Ngoại trừ điểm trường mầm non mới được dựng xây, màu sơn vữa nổi bật giữa núi rừng; thì vẫn còn đó những mái nhà thấp bé - nơi trú ngụ của những phận người nghèo khó.

Người phụ nữ đầu tiên chúng tôi gặp, bà ấy tự giới thiệu là Hồ Thị Nga, với khuôn mặt khắc khổ. Trước căn nhà nhỏ bé, cũ nát, bà kể: Đất sản xuất ít, đất rừng không có… nên cuộc sống rất vất vả. Mỗi tháng, nhà tôi nhận trợ cấp gạo 2 lần.

Tôi hỏi: Nếu được hỗ trợ bò giống, lợn giống thì có đất để chăn nuôi không? Bà khoát tay chỉ lên dãy núi sau nhà mà bảo: cứ thả trên đấy thôi, sẽ sống cả mà.

Cách nhà bà Nga một quãng, là căn nhà có phần chắc chắn hơn vì được đổ bê tông trụ cột nhưng cũng tềnh toàng không kém. Trên chiếc giường cũ kĩ dưới sàn là một dáng người nằm uể oải. Cạnh đó, hai đứa trẻ ngồi tựa vào cột. Một người già ngồi ở bậc thềm bên cạnh, lặng lẽ, dò xét.

Căn nhà gỗ cũ kĩ, xuống cấp của gia đình bà Hồ Thị Nga
Căn nhà gỗ cũ kĩ, xuống cấp của gia đình bà Hồ Thị Nga

Khi được hỏi về chủ nhân căn nhà, một đứa lớn ngồi trong góc nói lí nhí: Nhà của bà Hồ Thị Cỏng.

Tôi tiến gần hỏi người già thì được đáp rằng, đất ruộng ít, nên lúa không đủ ăn, phải trông chờ hỗ trợ của cấp trên. Tôi lại hỏi: mấy đứa trẻ còn trong độ tuổi mầm non, sao không đi học thì người già bảo: hắn nhác học, trốn không chịu đi nên ở nhà chơi.

Quan sát cuộc sống của bà con Rào Tre, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhiều diện tích đất quanh nhà bỏ hoang, mọc đầy cỏ dại. Một vài con trâu bò, trệu trạo nhai cỏ ở mé vườn… Phía trước bản, khoảnh đất được quy hoạch làm nơi sản xuất lúa nước chỉ còn trơ gốc rạ; chắc hẳn bà con vừa thu hoạch xong chưa lâu.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hương Liên - Nguyễn Sỹ Hùng thành thật: Bản Rào Tre có 57 hộ, 177 nhân khẩu nhưng đời sống của bà con còn quá khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đến 42,3% và hơn 44% hộ cận nghèo. Sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng 50% nhu cầu lương thực, vì cả bản chỉ có 2,5ha ruộng nước thành ra mỗi năm Nhà nước phải hỗ trợ thêm 6 tháng lương thực. Nhẩm tính cả bản khoảng 30 con trâu bò thôi. Còn lợn, gà, vịt… ít lắm.

Bà Hồ Thị Cỏng và những đứa cháu vẫn chưa chịu đến trường học
Bà Hồ Thị Cỏng và những đứa cháu vẫn chưa chịu đến trường học

Chương trình MTQG chưa thể khỏa lấp

Trước đây, các chương trình, dự án cũng đã dành nhiều đầu tư, hỗ trợ cho người Chứt ở Rào Tre. Cùng với những quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng như Bộ đội biên phòng, các cấp hội và đoàn thể; đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: từ năm 2021-2025, đến nay, đã có thêm nhiều nguồn lực dành cho người dân nơi đây.

Những nông cụ sản xuất, cây, con giống, phương thức sản xuất, kỹ thuật canh tác… cũng đã được chuyển giao đến cho bà con ở bản Rào Tre. Thậm chí, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh cũng đã tổ chức thành lập "Tổ sản xuất bản Rào Tre" gồm 20 hộ dân tham gia, thực hiện cải tạo đồng ruộng, đất canh tác với diện tích 2,65ha để trồng trọt; cùng với đó, xây dựng 20 chuồng trại cho 20 hộ dân tham gia dự án nuôi bò sinh kế.

Xung quanh một nếp nhà ở Rào Tre còn là khoảng đất trống đầy cỏ dại
Xung quanh một nếp nhà ở Rào Tre còn là khoảng đất trống đầy cỏ dại

Nhưng, những đầu tư, hỗ trợ này vẫn chưa thể khỏa lấp những khó khăn, vất vả của một vùng đất. Cứ nhìn vào số liệu mà UBND huyện Hương Khê cung cấp, thì đã rõ. Thực tế hiện nay, đời sống của bà con dân tộc Chứt còn rất nhiều khó khăn; trình độ, nhận thức còn thấp nhiều so với mặt bằng chung trên địa bàn huyện và tại xã Hương Liên. 

Bên cạnh đó, cơ sở kết cấu hạ tầng và các điều kiện phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đầy đủ; một số nhà ở, công trình phụ trợ, công trình chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; diện tích đất phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi còn ít, khó khăn, chưa tự túc được lương thực, thực phẩm; hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt còn thiếu và chưa đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo và nghèo đa chiều còn cao; tình trạng hôn nhân cận huyết thống cao; sức khoẻ yếu, trí tuệ chậm phát triển, thể lực thấp còi, tuổi thọ trung bình thấp.

Những đứa trẻ bản Rào Tre tại điểm trường mầm non
Những đứa trẻ bản Rào Tre tại điểm trường mầm non

Ở Rào Tre, hiện tại có 30 nhà ở kiên cố và 15 nhà gỗ đang xuống cấp. Đặc biệt có 5 nhà đã xuống cấp rất nghiêm trọng và 2 hộ mới ở riêng mà chưa có nhà ở, vẫn phải ở cùng bố mẹ.

Khuôn viên ranh giới các khu đất ở bản Rào Tre chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người dân. Nguyên nhân là do sau khi bàn giao và chưa được cấp giấy chứng nhận đầy đủ nên khó xác định vị trí cụ thể. Mặt khác, quỹ đất quy hoạch lâm nghiệp với diện tích 75ha và trồng lúa 2,5ha, đất hoa màu 0,5ha chưa được người dân phát huy hiệu quả.

Rời Rào Tre, chúng tôi vẫn hy vọng nơi đây rồi sẽ khác. Bởi những năm tới sẽ có thêm nhiều nội dung, dự án hỗ trợ, đầu tư cho vùng đất này; bởi sẽ còn nhiều cấp, ngành và cả những con người tâm huyết, “4 cùng” với bà con dân bản để xây dựng cuộc sống mới. 

Muốn có được ngày ấy, ngay từ hôm nay, Rào Tre, cần một “cuộc cách mạng” mới để đổi thay. Mà “cuộc cách mạng” ấy, ngoài hỗ trợ sinh kế, nhà ở, cây, con giống… thì quan trọng là nâng cao nhận thức để bà con chủ động, tự giác hơn trong cuộc sống. Dẫu biết rằng, cuộc chuyển biến về nhận thức, tư tưởng chưa bao giờ là dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.