Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cần tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện

Vân Khánh - 11:40, 02/10/2020

Thời gian vừa qua, nghề công tác xã hội (CTXH) đã phát huy tối đa vai trò trong các bệnh viện, nhất là trong việc kết nối, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân người DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nghề này vẫn còn khá “mỏng” so với nhu cầu thực tế, nên cần phải có thêm các bệ đỡ để phát triển.

Phòng CTXH phối hợp với UBDT tặng quà cho bệnh nhân nghèo người DTTS
Phòng CTXH phối hợp với UBDT tặng quà cho bệnh nhân nghèo người DTTS

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng CTXH - Bệnh viện K cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhân viên của Phòng CTXH cũng phải tích cực làm việc hơn bình thường. Họ vừa phải kết nối các công việc thường ngày, vừa phải kêu gọi cộng đồng phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi, Phòng CTXH đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể như vừa qua, Bệnh viện K đã kêu gọi được 32.500 khẩu trang y tế và 200 bộ quần áo bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện. Ngoài ra, Phòng CTXH cũng tích cực kết nối với các đơn vị vận động được hàng nghìn suất ăn giúp bệnh nhân ung thư nghèo yên tâm điều trị giữa đại dịch Covid-19. Trong dịp nắng nóng vừa rồi, Bệnh viện cũng đã vận động được doanh nghiệp tài trợ 100 quạt hơi nước phục vụ công tác khám, chữa bệnh, 30 xe lăn trao tặng bệnh nhân nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa…

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một bệnh viện đầu ngành trong khám, điều trị nhi khoa, CTXH cũng luôn được quan tâm. Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng CTXH cho biết, hiện nay Bệnh viện thường xuyên trong tình trạng hoạt động hết công suất, gây nên áp lực lớn cho y, bác sĩ cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, làm phát sinh những xung đột không đáng có. Tuy nhiên, từ khi có nhân viên CTXH đảm đương nhiệm vụ làm “cầu nối” để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong môi trường bệnh viện, từ đó đã giảm tải được áp lực tâm lý cho cả bác sĩ và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhờ đó nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh. 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, thẳng thắn nhìn nhận, đến thời điểm hiện tại, nhận thức của các bên liên quan (các nhà hoạch định chính sách, giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng…), cũng như thái độ và kỹ năng của nhân viên CTXH trong bệnh viện còn hạn chế. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động CTXH ở các bệnh viện cũng chưa có sự đồng nhất. Trong khi đó, các giải pháp nâng cao năng lực, phát triển hệ thống này trong bệnh viện còn nhiều giới hạn.

Bởi vậy, để nghề CTXH trong bệnh viện phát triển, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như, nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho bệnh nhân và người dân. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTXH cho cán bộ y tế. Ngoài ra, cần xây dựng một mạng lưới cán bộ làm CTXH y tế. Đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.

Đặc biệt hiện nay, ngành CTXH trong các bệnh viện đang phát triển theo hướng tự phát. Chính vì vậy, chúng ta cần chọn một bệnh viện có mô hình phòng CTXH hoạt động hiệu quả làm thí điểm để nhân rộng cho các bệnh viện khác học theo.