Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Cần Thơ: Lan tỏa tinh thần “Ươm mầm hữu nghị”

Như Hải - 12:13, 27/07/2020

Đối với nhiều sinh viên dân tộc Khmer, muốn bước chân vào giảng đường các trường đại học đã phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống. Thấu hiểu việc đó, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Cần Thơ đã hưởng ứng phong trào “Ươm mầm hữu nghị” do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia phát động nhằm giúp các bạn sinh viên dân tộc Khmer các tỉnh Tây Nam Bộ và cả các sinh viên Campuchia du học tại Việt Nam có điều kiện thuận lợi theo đuổi con đường học vấn...

Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP. Cần Thơ Thường xuyên đón các đoàn công tác nước bạn sang thăm và làm việc.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP. Cần Thơ Thường xuyên đón các đoàn công tác nước bạn sang thăm và làm việc.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP. Cần Thơ được thành lập từ năm 1995, hiện có trên 450 thành viên, hầu hết là những Cựu chiến binh từng tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia và một số còn lại là các vị sư sãi của các chùa trên địa bàn. Thời gian qua, hoạt động của Hội đã có nhiều gắn kết với Tổng Lãnh sự Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhằm thường xuyên thông tin các hoạt động hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Đặc biệt, việc thực hiện phong trào “Ươm mầm hữu nghị” do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động cũng nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TP. Cần Thơ và các địa phương của Campuchia. Những thành viên trong Hội đã “đỡ đầu” cho các du học sinh Campuchia sang học tập tại Cần Thơ, nhất là tạo điều kiện về chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho thoải mái để các em yên tâm học tập tốt.

Ông Nguyễn Văn Cận, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP. Cần Thơ cho biết: Năm 2019, đã có 15 em sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu. Tới đây, còn có các em dân tộc Khmer hoàn cảnh khó khăn từ trường phổ thông dân tộc nội trú để “ươm mầm hữu nghị”, kết nối giao lưu với sinh viên Campuchia”.

“Từ nay đến cuối năm, Hội sẽ tập trung vào công tác phát triển phong trào “Ươm mầm hữu nghị”, dự định tới khi tựu trường sẽ hỗ trợ thêm 10 em sinh viên từ Campuchia qua Việt Nam du học. Đặc biệt là, tổ chức hoạt động giao lưu giữa sinh viên Campuchia đang học tại TP. Cần Thơ với học sinh Trường PTDT nội trú TP. Cần Thơ”, ông Cận cho hay.

Không riêng gì TP. Cần Thơ mà các tỉnh khác của vùng Tây Nam Bộ cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho các em sinh viên dân tộc Khmer, nhất là từ Ban Dân tộc các tỉnh. Từ đó đã khích lệ con em đồng bào DTTS ngày càng phấn đấu vượt khó vươn lên trong học tập.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện nay sinh viên người dân tộc Khmer đang học tại Trường Đại học Cần Thơ là trên 2.000 sinh viên, chủ yếu các em đến từ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và một số tỉnh khác, học đủ các chuyên ngành khác nhau.

“Do đó, tôi có đề nghị với đại sứ quán, nếu những doanh nghiệp đầu tư ở Campuchia như Hoàng Anh Gia Lai, THACO, Vingroup… có nhu cầu nhân lực thì trường sẽ đào tạo theo nhu cầu cho doanh nghiệp. Sau khi các em tốt nghiệp sẽ đi làm cho các doanh nghiệp đó. Tôi nghĩ sẽ rất thuận lợi vì chuyên môn các em có, lại biết tiếng dân tộc thì khi qua Campuchia làm việc sẽ rất thuận lợi”, GS.TS. Toàn chia sẻ.

Theo GS.TS. Hà Thanh Toàn, cùng với các chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, các bạn sinh viên dân tộc Khmer khi thi đỗ vào trường sẽ được ưu tiên vào ở ký túc xá với chi phí chỉ 100.000 đồng/tháng. Trường có trung tâm văn hóa, có các câu lạc bộ cho sinh viên Khmer để duy trì sinh hoạt văn hóa văn nghệ; vào các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer, trường đều cho các em sinh viên dân tộc nghỉ 1, 2 ngày để về quê tham gia lễ, tết của dân tộc; tạo điều kiện để các em tham gia các chương trình văn nghệ giao lưu, duy trì nét văn hóa, phong tục của đồng bào Khmer.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.