Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cảnh giác với xe cấp cứu mạo danh

Hà Văn Đạo - 10:16, 26/11/2019

Liên tục trong nhiều ngày qua, tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa xuất hiện xe cấp cứu mạo danh xe của các bệnh viện tỉnh để chèo kéo khách hàng, gạ vận chuyển bệnh nhân với giá “cắt cổ”, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, gây thiệt thòi và nguy hiểm cho người bệnh.

Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 HDCARE dùng tất cả hình ảnh, trụ sở, bác sĩ của BVĐK Khánh Hòa để quảng cáo và giới thiệu đến bệnh nhân
Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 HDCARE dùng tất cả hình ảnh, trụ sở, bác sĩ của BVĐK Khánh Hòa để quảng cáo và giới thiệu đến bệnh nhân

Thấp thỏm lo sợ khi lên xe

Có người nhà bị bệnh tim mạch, ông Lê Quốc Thanh ở Nhơn Sơn, Ninh Sơn (Ninh Thuận) thuê xe cấp cứu với giá 6 triệu đồng để vận chuyển người bệnh vào TP. Hồ Chí Minh. Trước khi lên xe, được chủ xe quảng cáo là xe của cơ quan y tế Nhà nước, chất lượng cao, có nhân viên y tế chăm sóc đi cùng. Vậy nhưng khi lên xe thì khác hẳn: Xe quá cũ, không đủ các phương tiện thiết yếu để phục vụ bệnh nhân. Vì cấp bách, gia đình ông Thanh buộc phải lên xe, vừa đi vừa thắc thỏm lo âu.

Bà Trần Thị Nhung ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) cũng thường lựa chọn xe cấp cứu để đưa chồng mắc bệnh suy tim, suy hô hấp, viêm phổi đi viện. Lần nào, các nhân viên xe cấp cứu được gọi đến cũng giới thiệu là xe của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Khánh Hòa, nên yên tâm. Thế nhưng, thấy nhiều bất thường từ dịch vụ, cũng như chất lượng xe, nên bà Nhung lên tận bệnh viện hỏi thì được biết đó là xe cấp cứu mạo danh bệnh viện, của các tư nhân bên ngoài. Họ thường lấy giá cao, chất lượng phục vụ không tốt.

“Người bệnh cần xe cấp cứu nghĩa là bệnh nguy hiểm rồi. Vậy mà người ta cũng giả xe nhà nước thì nguy hiểm quá. Người dân thì cứ thấy xe có còi hú, có người mặc áo y, bác sĩ thì tin thôi chứ khó phân biệt”, bà Nhung bức xúc.

Người bệnh phải cẩn trọng

BVĐK tỉnh Ninh Thuận cho biết: Bệnh viện có xe cấp cứu, vận chuyển rất tốt. Khi có nhu cầu, tốt nhất là người dân cần cẩn thận cử người đến trực tiếp bệnh viện để liên hệ.

Ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định: Sau khi nhận được báo cáo của BVĐK Khánh Hòa về tình trạng xe cấp cứu trôi nổi hoặc của các công ty mạo danh xe cấp cứu của bệnh viện, ngành Y tế đã cảnh báo đến tất cả các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến huyện lẫn các bệnh viện tư nhân để nâng cao cảnh giác.

Trong Văn bản số 3630/SYT-NVY ngày 4/11 của Sở Y tế Khánh Hòa phát đi cho tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh này cũng khẳng định: Trung tâm cấp cứu 115 Khánh Hòa phản ánh việc đơn vị vận chuyển cấp cứu tư nhân có tên gọi Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 HDCARE (trụ sở chính tại đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) ngang nhiên sử dụng hình ảnh trụ sở, xe cấp cứu và nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Khánh Hòa để quảng cáo rầm rộ là mạo danh, gây hiểu nhầm cho người bệnh lẫn Nhân dân rằng đó là xe của bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.

Hiện tại Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 HDCARE chưa đăng ký hoạt động tại Khánh Hòa. Sở Y tế Khánh Hòa đề nghị: Khi chưa có sự xác nhận của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh và thông báo của Sở Y tế Khánh Hòa, tất cả các đơn vị không chấp nhận vận chuyển bệnh nhân với loại hình vận chuyển cấp cứu này.

Bác sĩ Lê Trần Anh Thi, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Khánh Hòa bức xúc cho biết: “Nhằm giảm thiểu rủi ro cho người bệnh và gia đình, BVĐK Khánh Hòa công bố quy trình chuyển viện là: Từ nhà hoặc hiện trường đến bệnh viện gọi 115 hoặc 0258115. Từ bệnh viện đi các tỉnh thành lân cận hoặc đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc về nhà thì liên hệ điều dưỡng trực tại các khoa. Tất cả được vận chuyển chuyên nghiệp bằng xe Ambulance”.

Tin cùng chuyên mục