Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gia Lai: Tín dụng chính sách trợ lực đồng bào DTTS thoát nghèo

Thuỳ Dung - 08:37, 14/10/2022

Không chỉ nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Gia Lai còn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, đưa chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh.

Nhờ có nguồn vốn từ NHCS mà gia đình anh A Nhok ở làng Tpôn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) đã vươn lên thoát nghèo
Nhờ có nguồn vốn từ NHCS mà gia đình anh A Nhok ở làng Tpôn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) đã vươn lên thoát nghèo

Với đặc thù là tỉnh miền núi với hơn 46% là đồng bào DTTS, vì vậy đời sống, kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đặc biệt là người đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, nguồn vốn tín dụng chính sách đã có nhiều tác động đến đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Xuất phát điểm là hộ nghèo, đời sống gia đình anh A Nhok ở làng Tpôn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) chỉ phụ thuộc vào mấy sào đất. Năm 2016, nhờ vốn vay tín dụng chính sách, gia đình anh đã có thêm nguồn lực để vươn lên thoát nghèo. Anh A Nhok chia sẻ: “Vươn lên từ hai bàn tay trắng, gia đình mình được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, các cán bộ tuyên truyền về lợi ích vay vốn từ NHCSXH huyện, mình cũng mạnh dạn vay vốn 20 triệu đồng để đầu tư 2 ha mì. Cùng với nỗ lực làm ăn, tiết kiệm và nguồn thu từ các loại cây trồng mang lại mà gia đình mình có tiền nuôi 2 con đến trường, vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2020".

Tương tự, năm 2017, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách mà gia đình chị Đinh Thị Chơih ở làng Jun, xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) có vốn để mua bò. Chị Chơih cho biết: Trước đây gia đình mình rất khó khăn. Bốn miệng ăn trong gia đình chỉ phụ thuộc vào đồng tiền làm thuê ít ỏi. Gia đình mình cũng có đất sản xuất nhưng ít, chủ yếu là trồng cây ngắn ngày nên kinh tế không cao. Năm 2017, mình bàn với chồng vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mua bò. Đến nay, từ hai con bò giống ban đầu đã đẻ được năm con. Nhờ vậy, cuối năm 2019 gia đình mình đã thoát nghèo.

Nhờ vay vốn ngân hàng CSXH huyện gia đình chị Chơih xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ (bên trái) để mua bò, giống cây trồng, nhờ vậy gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo
Nhờ vay vốn ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị Chơih xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ (bên trái) đã mua bò, giống cây trồng để phát triển sản xuất, nhờ vậy gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo

Theo thống kê, mạng lưới điểm giao dịch của NHCSXH đã phủ kín đến 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai với 220 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và hơn 3.300 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy rất tốt vai trò, hiệu quả, là nguồn lực để hơn 225 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện NHCSXH tỉnh Gia Lai, có được nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân dần thay đổi tư duy làm ăn, tập quán sản xuất. Thông qua hệ thống NHCSXH, kết hợp với các tổ đội, đặc biệt là các đoàn thể đã bám được các hộ nghèo. Qua đó, đã giúp cho người dân biết tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi, biết sử dụng nguồn vốn vay. Từ đó, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên lên thoát nghèo bền vững.

Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai được 17 chương trình tín dụng lớn với doanh số cho vay đạt trên 16.800 tỷ đồng, dư nợ đến tháng 9 năm nay đạt gần 5.800 tỷ đồng. Trong đó hầu hết là dư nợ uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị -xã hội với khoảng 400 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh và UBND các huyện ưu tiên chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền 39,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển 20 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển 19,4 tỷ đồng.

Bên cạnh Chỉ thị 40, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tổng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11 được Trung ương phân bổ là 404,97 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chi nhánh đã giải ngân hơn 158 tỷ đồng, cho 3.138 lượt hộ vay vốn, đạt gần 90% kế hoạch giao.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai giải ngân nguồn vốn ngay tại Điểm giao dịch xã
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai giải ngân nguồn vốn ngay tại Điểm giao dịch xã

Cụ thể, chương trình cho vay giải quyết việc làm số tiền là 120 tỷ đồng, với 2.583 khách hàng vay vốn, đạt 100% kế hoạch giao; chương trình cho vay nhà ở xã hội số tiền là hơn 32 tỷ đồng, với 102 khách hàng vay vốn, đạt gần 65% kế hoạch giao; chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và các thiết bị phục vụ học trực tuyến số tiền là hơn 4,3 tỷ đồng, với 433 khách hàng vay vốn, đạt trên 99% kế hoạch giao; chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non tư thục, tiểu học ngoài công lập, số tiền là hơn 1,6 tỷ đồng, với 20 khách hàng vay vốn, đạt 100% kế hoạch giao.

Bên cạnh thực hiện cho vay các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai còn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ổn định việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn.

“Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội để chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tập trung các khâu quản lý vốn vay, tuyên truyền hộ vay vốn để phát triển sản xuất. Hướng hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả để góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững”, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai cho biết thêm.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã huy động được nguồn vốn tăng trưởng nhanh, nợ quá hạn thấp, vốn tín dụng chính sách xã hội tạo những chuyển biến tích cực trên vùng đất Bắc Tây Nguyên. Thời gian tới, những cán bộ tín dụng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ đắc lực chương trình phát triển kinh tế - xã hội, một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.