Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hoàn thành sẽ tạo ra sự đột phá, kết nối “rừng với biển” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phươngHiện nay, hạ tầng giao thông đường bộ kết nối từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum xuống Bình Định thông qua Quốc lộ 19 là ngắn nhất. Mặc dù Quốc lộ 19 mới được đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cấp III. Tuy nhiên trên tuyến có 2 vị trí đèo An Khê và đèo Mang Yang quanh co, hiểm trở nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn.
Đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế, tốc độ bình quân chỉ khoảng 40 - 50 km/h, thời gian di chuyển từ Tp. Quy Nhơn (Bình Định) đến Tp. Pleiku (Gia Lai) mất từ 3,5h - 4h.
Tài xế Nguyễn Văn Tý (trú tại Gia Lai) cho biết: “Do tính chất công việc, mình thường xuyên chở hàng đi qua Quốc lộ 19 xuống Quy Nhơn. Nhiều năm trước khi tuyến Quốc lộ 19, đặc biệt là đoạn qua đèo chưa được mở rộng nhiều khúc cua nhỏ hẹp, nguy hiểm lắm. Những năm gần đây, tuyến đường được thi công lại, đầu tư mở rộng, nhưng tuyến thi công chậm, lưu lượng xe qua lại rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc, phải mất hơn 4h đồng hồ mới đến nơi”.
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có ba công trình hầm xuyên đèo An Khê và Mang YangMới đây (ngày 31/3), Bộ Xây dựng đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, điểm đầu của tuyến tại Quốc lộ 19B (thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (thuộc địa phận Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Tổng chiều dài khoảng 125 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua Gia Lai khoảng 85km với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 43.500 tỷ đồng. Dự án đi qua địa phận thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn (Bình Định); thị xã An Khê, các huyện Đắk Pơ, Mang Yang, Đắk Đoa và Tp. Pleiku (Gia Lai).
Dự án đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe, có làn dùng khẩn cấp liên tục, với vận tốc 100 km/h. Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dự kiến xây dựng 63 cầu trên tuyến chính và 11 cầu vượt ngang. Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế. Ngoài ra, dự án cũng được xây dựng 3 công trình hầm (gồm 2 hầm ở đèo An Khê và 1 hầm ở đèo Mang Yang (huyện Mang Yang) dài khoảng 3.000m. Tổng diện tích đất chiếm dụng dự án khoảng 942 ha, số hộ bị ảnh hưởng sơ bộ khoảng trên 3.900 hộ...
Dự kiến, tháng 5/2025 sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện thi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029.
Tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định là rất lớnTheo dự báo, đến năm năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 13.000 - 15.000 xe quy đổi/ngày đêm; trong khi Quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 - 12.800 xe quy đổi/ngày đêm. Vì vậy, việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tốc độ cao, an toàn, năng lực thông hành lớn là cần thiết, làm tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kỳ vọng: “Nếu cao tốc đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 1,5h, Nhân dân đi lại được nhanh chóng và thuận tiện hơn. Để đón đầu, tận dụng tối đa lợi thế cao tốc mang lại, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch xây dựng 5 cụm công nghiệp dọc tuyến. Khi cao tốc đi vào vận hành sẽ thu hút các nhà đầu tư, góp phần tăng thêm hiệu quả sử dụng của cao tốc. Tỉnh kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ tạo ra sự đột phá, kết nối “rừng với biển” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương”.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ tạo ra sự đột phá, kết nối "rừng với biển"Để chuẩn bị cho dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku triển khai thuận lợi, trước đó UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung các mỏ khoáng sản như đất san lấp, đá, cát để chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu nhằm đảm bảo phục vụ thi công cao tốc. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Bình Định thống nhất hướng tuyến của cao tốc để báo cáo cơ quan cấp trên.
Tại kỳ họp 26 (chuyên đề), Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết nghị thông qua việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là 500 tỉ đồng. Tiến độ bố trí vốn trong năm 2025 và 2026 hoặc sau 2026 theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong số này, nguồn vốn huy động từ tăng thu ngân sách tỉnh 2024 và nguồn kinh phí tiết kiệm trong thực hiện dự toán chi thường xuyên năm 2024 ngân sách cấp tỉnh là hơn 129 tỉ đồng. Còn lại gần 371 tỉ đồng huy động từ nguồn vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ. Đây là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn; kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.