Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp: Chậm tiến độ vì nhiều rào cản

PV - 09:48, 06/03/2019

Hiện các địa phương đang tích cực thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCNQSDĐLN) cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, do còn nhiều rào cản chưa được tháo gỡ nên tiến độ cấp GCNQSDĐLN vẫn rất chậm.

Chậm tiến độ

Từ năm 2006, Dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐLN cho 8 tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung bộ và 9 tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 26/04/2006 (gọi tắt là Dự án 672). Dự án 672 đặt ra lộ trình cho các địa phương là phải hoàn thành cơ bản việc giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐLN năm 2008.

Cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp GCNQSDĐLN. Cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp GCNQSDĐLN.

Nhưng tất cả các địa phương đều không “về đích” đúng hạn. Hầu hết các địa phương thực hiện Dự án 672, năm 2019 này vẫn đang đặt ra chỉ tiêu phải hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐLN.

Hòa Bình có thể xem là địa phương “đi trước, về sau” trong việc thực hiện Dự án 672. Sau khi có thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 672/QĐ-TTg, tháng 1/2007, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 127/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế kỹ thuật-Dự toán thành lập bản đồ địa chính 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐLN. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến tháng 4/2009 hoàn thành công đoạn đo đạc, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 trên địa bàn toàn tỉnh; đến tháng 6/2011, hoàn thành công đoạn giao đất, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐLN cho gần 132 nghìn hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh.

Nhưng tính đến cuối năm 2018, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh vẫn còn hơn 45 nghìn hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp GCNQSDĐLN. Trong đó có 25.023 hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền ký nhưng chưa trao cho người sử dụng đất, 20.057 hồ sơ đang bị “treo”. Tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu phấn hoàn thành việc cấp GCNQSDĐLN trong năm 2019.

Không chỉ Hòa Bình mà nhiều địa phương khác, tiến độ cấp GCNQSDĐLN cũng rất chậm. Như Quảng Nam, hiện việc cấp giấy mới chỉ đạt 65,1% trên tổng diện tích đất cần cấp; Bình Phước mới chỉ đạt chiếm 41,99% trên tổng diện tích đất cần cấp, Thậm chí ở một số địa phương còn đặt ra mục tiêu hoàn thành cấp GCNQSDĐLN sau năm 2020!.

Nhiều khoảng trống pháp lý

Một trong những nguyên nhân khiến việc chậm cấp GCNQSDĐLN cho hộ gia đình, cá nhân là do thiếu kinh phí. Về phía chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn (ngành Tài nguyên và Môi trường), việc trắc đạc, chỉnh lý từ thực địa cho đến khi cấp GCNQSDĐLN cho người dân cần một khoản kinh phí không hề nhỏ.

Còn về phía người dân sinh sống dựa vào rừng, dù rất muốn có GCNQSDĐLN, nhưng do đời sống còn khó khăn nên không đủ khả năng tài chính để đảm bảo chi phí làm thủ tục cấp GCNQSDĐLN. Cũng không loại trừ trường hợp, một số hộ đủ điều kiện nhưng không làm thủ tục theo đúng quy định mà chờ đợi chủ trương của Nhà nước để làm sao có lợi nhất.

Ngoài ra, ở các địa phương hiện vẫn “tồn kho” nhiều GCNQSDĐLN đã được ký nhưng vẫn chưa được trao cho người dân. Nguyên nhân là sau khi GCNQSDĐLN được cấp có thẩm quyền ký, cơ quan chức năng lại phát hiện những sai lệch giữa hồ sơ và thực địa nên buộc phải “treo” lại.

Như tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 15.438/25.023 GCNQSDĐLN đã ký nhưng chưa trao cho người sử dụng do phát hiện sai sót. Trong đó, sai về hình thể, vị trí, diện tích là 5.506 giấy; in sai số Chứng minh nhân dân (CMND), địa chỉ, tên họ đệm, ngày tháng năm sinh người sử dụng đất 8.018 giấy; in sai loại đất, sai địa giới hành chính 1.914 giấy.

Một rào cản khiến việc cấp GCNQSDĐLN gặp rất nhiều khó khăn hiện nay là việc có nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhất là đồng bào DTTS di cư tự phát, không có CMND, sổ hộ khẩu. Người dân không có những giấy tờ này nên không thể đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp.

Phải khẳng định, việc cấp GCNQSDĐLN cho hộ gia đình, cá nhân, nhất là đồng bào các dân tộc sinh sống dựa vào rừng, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp mà còn giúp hộ gia đình, cá nhân khi được cấp GCNQSDĐLN yên tâm sử dụng đất, đồng thời có “tài sản” để thế chấp vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.

Để hướng tới mục tiêu này trong thời gian sớm nhất, các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐLN, nhất là việc chỉnh lý những hồ sơ đã được duyệt nhưng còn sai sót. Quan trọng hơn cả, người dân-chủ thể sử dụng đất lâm nghiệp, cần nhận thức được giá trị của việc được cấp GCNQSDĐLN, từ đó tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để sớm được cấp GCNQSDĐLN.

SỸ HÀO